Tài tử miền quê!

01/04/2021 - 08:36

 - Họ không phải là những nghệ sĩ tài danh hay thầy đờn nổi tiếng, mà chỉ đơn giản là những người đam mê loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc. Người ta gọi họ là tài tử, bởi tính chất không chuyên và một phần cũng vì sự hào sảng của những người luôn xem âm nhạc truyền thống Nam Bộ là niềm đam mê của đời mình.

Căn nhà ông Huỳnh Văn Đàng (ấp Đông Hưng, xã Nhơn Hưng) trong ngày nắng gắt trở nên ngột ngạt. Tuy nhiên, những con người tụ họp nơi đây lại mang đến không khí trò chuyện cởi mở, vui tươi, đúng với cái chất của những tài tử. Ông Đàng là chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử xã Nhơn Hưng, với lịch sinh hoạt mỗi tháng 1 lần vào ngày 16 âm lịch.

“Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, anh em trong CLB sinh hoạt rất đông và thường xuyên. Chúng tôi bố trí địa điểm sinh hoạt tuần tự tại 3 ấp của xã và nhà văn hóa địa phương, với mục đích mang lời ca, tiếng hát đến với những người đam mê âm nhạc truyền thống của cha ông. Được anh em ủng hộ nhiệt tình nên phong trào đờn ca tài tử tại xã Nhơn Hưng phát triển khá mạnh” - ông Đàng cho hay.

Theo ông Đàng, mỗi lần sinh hoạt của CLB đờn ca tài tử xã Nhơn Hưng thường có hơn 20 tài tử tập trung đờn, hát. Không khí vô cùng phấn khởi bởi những bản vắn, những bài vọng cổ đã gắn liền với âm nhạc tài tử miền Nam lần lượt được trình bày qua những giọng ca mộc mạc. Chữ “tài tử” ở đây vốn mang ý nghĩa không chuyên, nên ai thuộc bài bản nào sẽ ca bài bản đó. Nếu chẳng may bài “ruột” bị người khác ca trước cũng sẵn lòng tìm bài khác để góp vui.

Những tài tử miền quê luôn đam mê âm nhạc truyền thống Nam Bộ

Hòa lẫn vào âm thanh mùi mẫn của “hò - xự - xang - xê - cống” là những giọng ca miền quê đậm chất dân dã, chân thành, đúng với tâm hồn của những người tài tử. Ông Nguyễn Văn Hơn (thành viên CLB đờn ca tài tử xã Nhơn Hưng) chia sẻ: “Tui là nông dân “rặt”, chuyên nghề “ai kêu gì làm nấy” mà mê tài tử hơn 20 năm. Cái “máu” tài tử này ngộ lắm, nghe ở đâu có lời ca, tiếng đờn là tay chân bứt rứt không chịu được, nhất định phải tìm đến góp vui với anh em. Có những lúc giăng câu nửa đêm, tay móc mồi mà miệng cứ nghêu ngao mấy câu vọng cổ hay vài lớp bản vắn cho nó vơi đi cực nhọc”.

Cũng là người mê âm nhạc tài tử  “từ lúc còn trai” cho đến tuổi ngoài ngũ tuần, ông Nguyễn Văn Hữu khẳng định sẽ không ngủ được nếu nghe đâu đó có ai đờn ca mà thiếu sự góp mặt của mình. Có những lúc thấy người ta “đờn một nơi, ca một nẻo” bực lắm, bởi âm nhạc tài tử Nam Bộ có quy luật về nhịp nhàng và làn hơi của riêng nó. Người biết thưởng thức sẽ khó chấp nhận nếu gặp phải trường hợp ca không “ăn dây” hay ca “rớt nhịp”. Tuy nhiên, vì tinh thần vui là chính nên ai cũng chấp nhận chờ tới lượt mình thể hiện niềm đam mê.

  Âm nhạc tài tử Nam Bộ luôn đòi hỏi cao về kỹ thuật, nhịp nhàng, cách đưa hơi, nhả chữ nên không nhiều bạn trẻ có thể tiếp cận được với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Bên cạnh đó, việc thiếu vắng những tài tử đờn đủ sức đáp ứng nhu cầu bài bản của người ca cũng gây khó khăn nhất định cho quá trình duy trì, phát triển các CLB đờn ca tài tử tại địa phương. Bởi, đào tạo một tài tử ca sẽ mất vài ba năm, nhưng để có một tài tử đờn giỏi, có thể nắm vững “3 nam - 6 bắc - 7 hạ - 4 oán” sẽ phải đợi hơn 10 năm hoặc lâu hơn, tùy vào khả năng học hỏi, tiếp cận của người đó.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (một trong số ít nữ tài tử của CLB đờn ca tài tử xã Nhơn Hưng) khẳng định: “Nếu ca nhạc, tui có thể ca rất nhiều bài. Riêng, đờn ca tài tử có nhiều bài mình theo chưa được, có khi “lạc hơi”,  “rớt nhịp” và phải luyện tập rất nhiều mới ca đạt yêu cầu. Bởi vậy, muốn ca tài tử hay, ngoài chuyện tập luyện phải kể đến việc “tổ đãi” cho mình được lợi thế về làn hơi và giọng ca nữa. Nhưng mọi người trong CLB không quá đặt nặng về kỹ thuật, miễn sao góp thêm niềm vui với mọi người bằng lời ca tiếng hát là hạnh phúc rồi!”.

Dù đã bước qua cái dốc bên kia của đời người, nhưng các thành viên của CLB đờn ca tài tử xã Nhơn Hưng vẫn sẽ gắn bó với loại hình âm nhạc truyền thống này cho đến khi “không còn ca nổi thì thôi”. Đó là lời khẳng định cho niềm đam mê son sắt của những tài tử miền quê, quyết lòng nuôi dưỡng dòng chảy âm nhạc truyền thống đặc sắc của đất phương Nam trong thời buổi công nghệ số phát triển từng ngày.

Bà Huỳnh Thị Trang (công chức văn hóa - xã hội xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) cho biết, địa phương hiện có câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử xã và 3 ấp đang sinh hoạt. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên phong trào đờn ca tài tử tại địa phương đang lắng xuống. Khi dịch bệnh ổn định, địa phương sẽ khôi phục lại phong trào, để lời ca, tiếng đờn của những tài tử miền quê có dịp được ngân vang, mang đến cho đời niềm vui giản dị, mộc mạc và chân thành.

THANH TIẾN