Tân Châu phấn đấu trở thành vùng động lực kinh tế

11/11/2024 - 10:00

 - TX. Tân Châu nằm ở khu vực phía Bắc tỉnh An Giang, có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh. Nhiều nhiệm kỳ qua, thị xã có mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đóng vai trò “đầu tàu” kéo theo sự phát triển của cả vùng, nhờ vào lợi thế cạnh tranh và động lực tăng trưởng.

Lợi thế cạnh tranh

Ngoài vị trí chiến lược của thị xã biên giới (có Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương), TX. Tân Châu còn có hạ tầng giao thông khá đồng bộ, mang tính kết nối liên vùng. Những năm qua, thị xã tập trung phát triển nguồn nhân lực “đủ sức” phục vụ quá trình hội nhập. “Nhờ sự tập trung đầu tư của Trung ương, tỉnh và thị xã, Tân Châu đã có được hệ thống giao thông mang tính kết nối, mở rộng, từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp về đầu tư, tạo việc làm cho lao động tại chỗ” - Bí thư Thị ủy Tân Châu Nguyễn Văn Cọp chia sẻ.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2009 - 2024, thị xã triển khai 450 dự án. Trong đó, thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng 412 dự án, còn lại 9 dự án đang thi công. Nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông (cầu Tân An, công trình tuyến dân cư kênh Vĩnh An, Nhà thi đấu thể thao thị xã, thư viện, nhà thiếu nhi…) được đưa vào sử dụng, góp phần làm bộ mặt thị xã ngày càng sạch đẹp, khang trang.

Lực lượng kiểm soát liên ngành kiểm tra phương tiện, hàng hóa đi qua Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương

“Phát triển từ rất sớm, Tân Châu là một thương cảng sầm uất. Người dân làm nghề se tơ, dệt lụa rồi mang sản phẩm xuất khẩu khắp thế giới, đặc biệt là xuất sang thị trường Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN. Thị xã hội đủ các đặc điểm của vùng động lực kinh tế” - ông Huỳnh Quang Ngự, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Tân Châu, chia sẻ.

Động lực tăng trưởng

Ngày 24/8/2009, huyện Tân Châu chính thức được Chính phủ công nhận là thị xã. 15 năm qua, TX. Tân Châu thể hiện rất rõ nét đặc điểm của một vùng động lực kinh tế, có mức tăng trưởng kinh tế cao và vượt trội. Giai đoạn 2009 - 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 11%/năm; lĩnh vực thương mại - dịch vụ năm 2024 chiếm 58,3% trong cơ cấu kinh tế (tăng 27,3% so với năm 2009); thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 74 triệu đồng (tăng gần 7 lần so năm 2009).

Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Toàn thị xã có 92% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; 100% khóm, ấp đạt danh hiệu văn hóa; 100% cơ quan, trường học, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. “Theo dõi thông tin thời sự, nhìn thấy địa phương ngày càng thay da đổi thịt, đời sống bà con (trong đó có gia đình tôi) dần ổn định hơn trước, thụ hưởng nhiều lợi ích, tôi rất mừng” - bà Trần Thị Lệ Hằng (ngụ phường Long Thạnh) phấn khởi.

Cá nuôi của nông dân vùng ĐBSCL được xuất qua các cặp cửa khẩu của tỉnh

Để Tân Châu tiếp tục đóng vai trò là vùng động lực kinh tế của tỉnh ở khu vực phía Bắc, thời gian tới, thị xã cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp, như: Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin mang tính hiện đại; thu hút đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước thông qua việc tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi. Địa phương tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng đầu tư vào giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ của người lao động.

Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi mang tính hấp dẫn, bao gồm ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng... để thu hút đầu tư và phát triển sản xuất.

“Trên hành trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thị xã luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm, vừa học; vận dụng linh hoạt đường lối, chính sách, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển. Từ đó, đã phát huy được lợi thế cạnh tranh, tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững” - Bí thư Thị ủy Tân Châu Nguyễn Văn Cọp khẳng định

 

MINH HIỂN