Tận dụng thời cơ lúa gạo

11/08/2023 - 05:21

 - Giá gạo của Việt Nam đang tăng nhanh, xác lập kỷ lục cao nhất trong hàng chục năm qua. So với kỷ lục năm 2008, lần tăng giá này bền vững hơn, khi lương thực trên thế giới “cung không đủ cầu”. Thị trường nhập khẩu ổn định với giá trị cao, tạo ra cơ hội lớn cho ngành lúa gạo vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thay vì sản xuất ồ ạt, cần chú trọng canh tác lúa phẩm cấp cao, tuân thủ quy hoạch, liên kết sản xuất chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) để tăng giá trị, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình.

Niềm vui trên cánh đồng

Có lẽ lâu lắm rồi, nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL mới hưởng trọn niềm vui “trúng mùa, trúng giá” liên tục hơn 2 năm qua. Riêng vụ hè thu 2023, lúa bất ngờ đạt năng suất cao, giá bán xác lập cột mốc mới, nên nông dân rất phấn khởi. Họ khẳng định, vụ hè thu năm nay đạt hiệu quả sản xuất không thua kém vụ đông xuân.

Đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ du lịch Tân Thạnh (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn), ông Lê Quang Trường cho biết, HTX đạt thắng lợi lớn. “Tất cả 900ha của HTX đều liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, giống lúa LT5451 và OM18. Thời điểm thu hoạch không rơi vào đợt mưa bão, nên năng suất đạt gần 1 tấn lúa/công tầm cắt (khoảng 7,5 tấn/ha). Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu lúa tươi giá 6.700 đồng/kg (LT5451) và 6.900 đồng/kg (OM18).

Tập đoàn đầu tư giống, vật tư nông nghiệp từ đầu vụ, thu hoạch và đưa ghe đến ruộng thu gom lúa tươi, thanh toán xong mới trừ tiền giống, vật tư, nên xã viên rất yên tâm. Vụ hè thu này, chi phí đầu tư khoảng 3,5 triệu đồng/công tầm cắt, nông dân đạt lợi nhuận tương đương 3,5 triệu đồng. Đây là tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm qua” - ông Trường thông tin.

Ở vùng nếp Phú Tân, nông dân cũng rất phấn khởi, khi giá nếp tươi duy trì ở mức cao. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết, HTX canh tác 1.700ha, chủ yếu là giống nếp Long An, năng suất bình quân 6,5 tấn/ha.

Đối với hơn 300ha liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, giá thu mua 6.500 đồng/kg nếp tươi; hơn 100ha liên kết với 1 DN ở tỉnh Đồng Tháp, còn lại bán tự do bên ngoài. Riêng đối với 10ha ông Lô Ba thuê canh tác theo tiêu chuẩn EU, được Tập đoàn Lộc Trời cộng thêm 200 đồng/kg. “Vụ này chi phí đầu tư khoảng 3.000 đồng/kg nếp tươi, giá bán từ 6.500 - 6.800 đồng/kg, nông dân đạt lợi nhuận rất tốt” - ông Lô Ba phấn khởi.

“Thời cơ vàng”

Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, UAE và Nga, giá gạo thế giới lập nhiều kỷ lục mới từ đầu tháng 8 đến nay. Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, chính thức vượt mốc 600 USD/tấn, đạt 618 USD/tấn vào ngày 4/8. Trong khi đó, gạo 25% tấm đã vượt qua các đối thủ cùng khu vực (Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan), tăng thêm 20 USD/tấn, lên 598 USD/tấn. Trong nước, giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương tăng thêm 400 - 500 đồng/kg.

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết: “Giá gạo xuất khẩu và trong nước tăng mạnh được xem là “thời cơ vàng” để nâng sản lượng, giá trị cho hạt gạo Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Toàn tỉnh hiện có 38 DN tham gia xuất khẩu gạo, trong đó 18 DN trong tỉnh và 20 DN ngoài tỉnh (có kho chứa, nhà máy chế biến đặt trên địa bàn An Giang), nắm lợi thế lớn về thị trường”. Giá gạo tăng “nóng”, DN liên kết xây dựng được vùng nguyên liệu, thu mua theo hợp đồng để đưa vào kho chứa tỏ ra có lợi thế, trong khi DN “ăn xổi ở thì” lại hụt hơi, không dám ký hợp đồng với đối tác, bởi không có sẵn hàng hóa.

Ghi nhận 7 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 670 triệu USD, tăng 3% so cùng kỳ 2022. Riêng mặt hàng gạo, xuất khẩu tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Ước kim ngạch xuất khẩu gạo An Giang trong 7 tháng đạt 341.000 tấn, tương đương 186 triệu USD (tăng 7,2% về sản lượng và tăng 8% về kim ngạch). Về thị trường, chiếm tỷ trọng cao nhất là Châu Á (Trung Quốc, Malaysia, Singapore…), Châu Phi và Châu Âu.

Ngày 4/7/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 610/CĐ-TTg về tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Triển khai chỉ đạo này, Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang chủ động theo dõi sát tình hình hoạt động của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và DN để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu gạo theo thẩm quyền (nhất là trước xu hướng gia tăng các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm). Qua đó, kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp đối với những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

“Đây là cơ hội để DN xuất khẩu gạo ở An Giang nói riêng, cả nước nói chung hướng đến quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu gạo cho đối tác nước ngoài. Nếu trước đây, DN phải loay hoay tìm kiếm khách hàng, thì nay các đối tác nhập khẩu đang chủ động tìm đến DN, hỏi mua gạo số lượng ngày càng nhiều hơn. DN cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, điều kiện xuất khẩu để giữ uy tín, đón bắt cơ hội không chỉ trong năm nay, mà còn những năm tiếp theo” - ông Nguyễn Minh Hùng lưu ý.

Không lo thiếu gạo

Trước “cơn sốt” gạo, nhiều người lo lắng sẽ lập lại kịch bản hạn chế xuất khẩu, khiến lúa, gạo rớt giá như mấy lần trước. Các chuyên gia khuyến cáo, không nên tái lập bài học sai lầm, bởi sản lượng lương thực trong nước rất lớn. Với điều kiện của ĐBSCL, nhất là tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… có thể sản xuất lúa liên tục.

 Bộ NN&PTNT cho biết, dự kiến năm 2023, cả nước gieo trồng 7,1 triệu héc-ta lúa, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so năm 2022. Trong 7 tháng, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,8 triệu tấn, còn khoảng 2,7 triệu tấn gạo hàng hóa sản xuất phục vụ cho 5 tháng cuối năm. Với diễn biến canh tác thuận lợi, sản lượng gạo sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch vụ hè thu, ráo riết xuống giống vụ thu đông 2023, để không bỏ lỡ cơ hội giá lúa đang ở mức cao. Đối với vụ hè thu, diện tích xuống giống 228.750ha, tăng 7.695ha so cùng kỳ. Tính đến ngày 3/8/2023, toàn tỉnh thu hoạch 160.815ha (đạt 70,3%), ước năng suất bình quân 6,1 tấn/ha (cùng kỳ 5,9 tấn/ha).

Có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn các tỉnh trong khu vực, vụ thu đông 2023, tỉnh An Giang xuống giống khoảng 148.133ha lúa trong các tiểu vùng kiểm soát lũ triệt để. Nhìn chung, giống lúa chất lượng cao chiếm 81,3% diện tích xuống giống toàn tỉnh (OM18, OM5451, OM7347…), đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn xuất khẩu. “Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống ở những vùng có đê bao ổn định, nhằm chủ động rút úng khi có mưa bão thất thường. Ở vùng không có đê bao, ngành nông nghiệp không khuyến khích bà con xuống giống” - ông Lâm lưu ý.

Là DN hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho rằng, với khả năng sản xuất của vùng ĐBSCL, không lo thiếu gạo. “Những lệnh cấm xuất khẩu mà chúng ta nhìn thấy không ảnh hưởng đến tình hình lúa gạo ở Châu Á và Châu Phi. Các nước đã cấm vừa rồi chủ yếu bảo vệ thị trường nội địa của họ. Riêng đối với Việt Nam, chúng ta đang có khả năng bán được nhiều hơn, dựa trên diện tích lúa có thể tăng được.

Đặc biệt, vụ thu đông 2023, ĐBSCL dự kiến tăng thêm 50.000 - 60.000ha lúa; sẽ có thêm 100.000 - 150.000 tấn gạo ra thị trường quốc tế. Đây là dịp để khẳng định một lần nữa sự vững chắc và bền vững của lúa gạo Việt Nam, chứ không phải là cơ hội tìm kiếm thị trường.

Có nghĩa là, trên thị trường có nhiều người mua và nhiều người bán, dịp này Việt Nam nằm trong tốp các nước xuất khẩu ổn định, giúp cho chúng ta trở nên là "đối tác đáng tin cậy" hơn nhiều so hình dung trước đây của người mua gạo trên thị trường quốc tế. Họ sẵn sàng tìm kiếm cơ hội nghiêm túc, ổn định, lâu dài và sẵn sàng cùng với Việt Nam tạo ra nguồn cung ổn định trên thế giới” - ông Thuận phân tích.

Phát huy liên kết

Là DN quan tâm xây dựng vùng liệu “Cánh đồng lớn” cả chục năm trước, Tập đoàn Lộc Trời gặt hái “quả ngọt” khi 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt hơn 6.130 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mảng lương thực (lúa, gạo) tiếp tục là “đầu tàu”, mang về 4.220 tỷ đồng doanh thu, tăng 25%; thuốc bảo vệ thực vật 1.536 tỷ đồng; hạt giống 315 tỷ đồng; bao bì 62 tỷ đồng…

Để đón đầu cơ hội, Tập đoàn Lộc Trời đang dự trữ 200.000 tấn gạo và có những hợp đồng mới, sẵn sàng xuất khẩu từ nay đến giữa tháng 11/2023. Mỗi ngày, tập đoàn chi từ 50 - 70 tỷ đồng mua lúa ở các vùng liên kết. Lượng lúa vẫn tiếp tục về đều đặn trong suốt vụ hè thu, thu đông 2023, đảm bảo sản lượng và giá hợp đồng đã cam kết với đối tác nhập khẩu nước ngoài.

Ông Thuận cho biết, về lâu dài, Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục mở rộng vùng trồng để tăng sản lượng lúa cho xuất khẩu; tổ chức sản xuất lớn bắt đầu từ đơn hàng; xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo cung ứng đầy đủ, theo tiến độ mùa vụ nguồn giống, thuốc, phân bón, dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Đồng thời, đa dạng chủng loại gạo phù hợp thị trường quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn xuất gạo vào các thị trường cao cấp, như: EU, Hoa Kỳ, Canada, Australia...

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) Huỳnh Thanh Tùng cho rằng, tình hình giá lúa gạo hiện nay là cơ hội lớn cho DN. “Angimex sẽ tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền vững với nông dân, bạn hàng, đối tác, khách hàng để ổn định về mặt nguyên liệu, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; đảm bảo duy trì tính ổn định cho hoạt động thu mua, sản xuất và tiêu thụ cả khi thị trường biến động.

Công ty chú trọng bảo quản, chế biến lúa gạo để đáp ứng quy định nhập khẩu của các thị trường mục tiêu (về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc...). Bên cạnh đó, không quên tập trung phát triển thị trường nội địa. Gần đây, Angimex cho ra đời sản phẩm “gạo lúa tôm” cao cấp với chất lượng vượt trội, phục vụ người tiêu dùng trong nước” - ông Tùng khẳng định.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận, nông dân đang có lúa và lúa về ổn định, thậm chí là mua thêm 100.000 tấn thì nguồn cung vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, khả năng mua lúa của các DN là thách thức lớn nhất, đặc biệt là DN nhỏ đang thiếu vốn. Do vậy, cần có chính sách tín dụng giúp DN mua được giá ổn định, giữ được đầu vào ổn định để kinh doanh hiệu quả.

Bộ NN&PTNT đang hỗ trợ DN, nông dân vùng ĐBSCL tăng diện tích 700.000 – 800.000ha cho vụ thu đông. Đây sẽ là nguồn cung rất lớn để Việt Nam có đủ nguồn gạo xuất khẩu và tiêu dùng nội địa

NGÔ CHUẨN - MINH HIỂN