Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 18/8, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2022-2023 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD&ĐT”, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đây cũng là năm học đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29 đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT với nhiều kết quả tích cực.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển GD&ĐT, trong đó phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong triển khai thực hiện.
Ngành giáo dục đã tích cực xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới; triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Các địa phương và các cơ sở giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi của khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).
Năm học qua giáo dục trở lại bình thường mới sau dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non (giảm 67 trường so với năm học trước) và 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn quốc đạt 98,88%, được đánh giá khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.
Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt kết quả cao với 11 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 12 huy chương đồng và 5 Bằng khen.
Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; tuyển sinh giáo dục đại học cơ bản giữ ổn định qua các năm, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022-2026.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác.
Trước thềm năm học mới 2023-2024, Bộ GD&ĐT lần đầu tiên tổ chức thành công chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023”. Đây là dịp để Bộ trưởng lắng nghe được nhiều nhất suy nghĩ, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm; bày tỏ được một cách trực tiếp nhất sự chia sẻ, động viên, yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong cả nước với khoảng 40 nghìn điểm cầu và hơn 1 triệu nhà giáo.
Trong năm học 2022-2023, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học đạt được nhiều kết quả cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng thiếu giáo viên; thiếu hay quá tải trường lớp; Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả; Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận; và vẫn còn đầy thách thức, nhiều khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục trong thời gian sắp tới…
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm với với chủ đề năm học là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Theo Báo Pháp Luật