Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ được triển khai gần Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 3-6-2020 nhằm ngăn người quá khích trong cuộc biểu tình phản đối hành vi của cảnh sát dẫn đến cái chết của người da màu George Floyd. Ảnh: AFP/TTXVN
Dẫu vậy, sự thay đổi ngay lập tức có thể thấy được là những vụ việc phân biệt chủng tộc đang khiến cả thế giới dậy sóng ngoài kia hóa ra lại giúp người ta chia sẻ dễ dàng hơn vấn đề vốn luôn bị coi là nhạy cảm: nạn kỳ thị chủng tộc. Và nước Mỹ giờ đây lại đứng trước một câu hỏi còn lớn hơn: Liệu rằng có phải chỉ người Mỹ gốc Phi mới là nạn nhân của những hành động thù địch và bất công, hay các cộng đồng da màu khác cũng phải đối mặt với sự kỳ thị khi sống trên đất Mỹ?
Những vụ đụng độ bạo lực, giết người, dù là ngộ sát, vì màu da như báo chí đã nêu thời gian qua không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng người ta vẫn có thể nhận diện được sự hiện hữu của nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ qua cách giải quyết các vụ việc tại cơ quan công quyền, hay qua cách ứng xử hằng ngày giữa những người sống trong các cộng đồng nhất định.
Chuyên gia xã hội học Eduardo Bonilla-Silva của Đại học Duke cho rằng có thể thấy được sự phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống tồn tại ở nhiều nơi trên đất Mỹ: từ trường học, công sở, tòa án, cho đến ngành cảnh sát... Đó là những nơi mà người ta thấy hình như người da trắng luôn nắm các vị trí chủ chốt, ra quyết định, và nếu ở đâu đó có một số người da màu giữ được vị trí tương tự thì con đường để tới đó là sự nỗ lực gấp hơn nhiều lần các đồng nghiệp da trắng.
Các kết quả điều tra xã hội cho thấy biểu đồ phân bổ nhân lực của người da màu tại Mỹ hiện nay ở dạng hình nón, tức là càng lên các vị trí quan trọng như giám đốc điều hành các tập đoàn lớn hay quan chức cấp cao trong chính phủ thì càng ít người da màu. Nếu nhìn vào số liệu khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) năm 2013 về tỷ lệ sở hữu của cải trong xã hội thì người Mỹ da trắng nắm tới 90% tài sản của nước Mỹ, người Mỹ Latinh nắm giữ 2,3% và người Mỹ gốc Phi nắm giữ 2,6%.
Nước Mỹ là quốc gia đa sắc tộc, gồm cả da trắng, da đen, da đỏ (American Indian - thường gọi là người Anh-điêng), người gốc Á da vàng, chưa kể một tỷ lệ lớn người Mỹ Latinh. Thế nhưng, luật bất thành văn, màu da vẫn là một tiêu chí để nhìn nhận, đánh giá một con người ở đây bởi nước Mỹ vốn là đất nước được biết đến một phần vì lịch sử gắn với nạn phân biệt chủng tộc.
Trên thực tế, người Mỹ gốc Phi không phải nhóm người da màu duy nhất bị đối xử phân biệt. Theo tổ chức Stop AAPI Hate, một tổ chức theo dõi, thống kê các vụ khiếu nại của những người gốc Á bị đối xử phân biệt, chỉ tính riêng từ cuối tháng 3 đến nay đã có tới hơn 1.100 vụ người gốc Á là nạn nhân của những hành vi và lời nói phân biệt đối xử. Đa phần các vụ việc không quá nghiêm trọng hay quá bạo lực nhưng cũng gây bức xúc trong cộng đồng người dân, như vụ bé gái gốc Á bị người lạ đẩy ngã khỏi xe đạp của em trong công viên hay một gia đình gốc Á bị gây sự, to tiếng tại siêu thị rau quả thực phẩm bởi bị cho là đem virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đến nước Mỹ.
Nhưng sự kỳ thị người da màu, trong đó có người châu Á, không phải bây giờ mới xảy ra khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mà nó đã tồn tại từ thời những người dân nhập cư mới đặt chân tới Mỹ cách đây hàng trăm năm. Giáo sư Janelle Wong, chuyên nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học Maryland, nhận định rằng những hành động kỳ thị người gốc Á bắt nguồn từ kiểu suy nghĩ của một bộ phận người Mỹ da trắng luôn coi các chủng tộc khác là ngoại lai và không muốn người châu Á, dù sống ở Mỹ bao nhiêu năm đi nữa, trở thành người Mỹ.
Cảnh sát được triển khai để giải tán người biểu tình trong cuộc tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại thành phố Minneapolis, Mỹ ngày 27-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nếu nhìn lại lịch sử nước Mỹ, thì việc phân biệt đối xử với người gốc Á thậm chí đã từng được luật hóa trong đạo luật 1875 (Page Act of 1875) và đạo luật Loại trừ người Trung Quốc 1882 (Chinese Exclusion Act of 1882). Đây là hai đạo luật đầu tiên về vấn đề nhập cư, được thông qua để cấm những người lao động gốc Trung Quốc vào Mỹ do tâm lý bài ngoại và lo ngại người gốc Á cạnh tranh việc làm với người Mỹ lúc đó. Cùng với việc hạn chế nhập cư, các đạo luật này của Mỹ cũng nhằm mục đích ngăn cản người gốc Trung Quốc hay người gốc Á không thể trở thành công dân Mỹ trong nhiều thập niên.
Theo Giáo sư xã hội học Grace Kao của Đại học Yale thì ngay từ những ngày đầu khi nước Mỹ mới thành lập, người Mỹ đã luôn không muốn người gốc Á trở thành một phần cộng đồng của họ.
Bà Joan Trauner, một người nghiên cứu vấn đề chủng tộc lâu năm, cho rằng sự kỳ thị người Trung Quốc và người châu Á nói chung bắt nguồn từ 3 lý do chính: Đó là tâm lý phân biệt chủng tộc, sự thiếu hiểu biết và phản ứng với làn sóng người lao động Trung Quốc tới Mỹ cạnh tranh việc làm với người Mỹ da trắng.
Còn nhà sử học Beth Lew Williams của Đại học Princeton nhận định rằng tâm lý nhiều người Mỹ ở thế kỷ 19 rất bài ngoại và coi thường người da màu nói chung, vì cho rằng "họ không vệ sinh và mang bệnh tật". Chính vì vậy, tới tận thời điểm thế kỷ 19, người Trung Quốc vẫn bị cấm tới các bệnh viện công ở San Francisco.
Những đạo luật mang tính chất kỳ thị người gốc Á ở Mỹ đã bị bãi bỏ từ năm 1940, nhưng sự kỳ thị thì vẫn còn đó, ngay cả vào những ngày này của thế kỷ 21. Cựu Thống đốc bang Washington, ông Gary Locke, người Mỹ gốc Hoa, đã từng phát biểu với báo giới rằng người Mỹ gốc Á, dù có thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, hay thứ tư, thì vẫn bị coi là người nước ngoài.
Một điều đáng lưu tâm, mặc dù là cộng đồng bị kỳ thị qua nhiều thế hệ như vậy, nhưng các vụ việc phân biệt chủng tộc đối với người gốc Á lại ít khi là đề tài bàn thảo hay tranh cãi nóng ở Mỹ như các vụ việc liên quan người Mỹ gốc Phi. Giáo sư Josephine Park của Đại học Pennsylvania cho rằng người ta thường bỏ qua không để ý việc kỳ thị người gốc Á có lẽ vì mức độ kỳ thị nhẹ hơn và khó nhận biết hơn.
Một cuộc khảo sát năm 2017 của trường Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Harvard cho thấy người Mỹ gốc Á đối mặt với bất công trong các lĩnh vực như nhà cửa, việc làm và công lý xét xử ít hơn so với các nhóm chủng tộc da màu khác tại nước Mỹ. Tuy nhiên, nếu là người Mỹ gốc Á hay người châu Á đang sinh sống tại Mỹ, chắc hẳn bạn sẽ hơn một lần nhận được những câu nửa đùa nửa thật như “sao châu Á nhìn ai cũng giống nhau” hay “về nước đi chứ”, một kiểu kỳ thị rõ rệt dù không mang tính bạo lực.
Như Giáo sư Wong của Đại học Maryland nhìn nhận, sự kỳ thị chủng tộc ăn sâu trong lòng nước Mỹ chưa bao giờ biến mất, luôn ở đó, và rất dễ nổi lên khi gặp điều kiện thuận lợi. Chính vì lẽ đó, mà nhiều người Mỹ gốc Nhật đã bị đưa đi cải tạo sau Chiến tranh thế giới thứ II chỉ bởi vì họ là người Nhật, còn người Hồi giáo bị kỳ thị rất nặng nề sau vụ nước Mỹ bị khủng bố 11-9-2001.
Ở khía cạnh khác, các cuộc biểu tình bạo loạn chống nạn phân biệt chủng tộc vừa qua ở Mỹ dường như cho thấy một thực tế rằng nước Mỹ đang ngày càng chia rẽ, không những về kinh tế, tôn giáo và văn hóa mà còn cả về sắc tộc. Bởi đây không phải lần đầu tiên làn sóng biểu tình phản đối nạn kỳ thị chủng tộc tại Mỹ biến thành các vụ bạo lực, thù hận sắc tộc.
Tháng 7-2016, cuộc biểu tình của khoảng 1.000 người dân Mỹ tại thành phố Dallas, bang Texas nhằm phản đối cảnh sát bắn chết hai người da màu, một tại bang Louisiana và một tại bang Minnesota, đã kết thúc hết sức đẫm máu. Một đối tượng cực đoan da màu đã bắn chết 5 cảnh sát đang làm nhiệm vụ ngăn chặn dòng người biểu tình, và thủ phạm tuyên bố muốn giết hại những người da trắng, đặc biệt là cảnh sát, để trả thù cho những người da đen từng bị cảnh sát bắn chết.
Người dân tham gia biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Washington D.C., Mỹ, ngày 6-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhìn xa hơn, hiện tượng kỳ thị chủng tộc cũng tồn tại và lan rộng ở nhiều nước phương Tây, như tâm lý thù ghét người di cư hay người Hồi giáo, người Do Thái... Tại châu Âu, nhiều đảng cực hữu dân túy tìm cách giành sự ủng hộ của cử tri với những tuyên bố kích động tư tưởng kỳ thị chủng tộc, chống người nhập cư và chống lại chủ nghĩa đa văn hóa.
Các chuyên gia nhận định một trong những nguyên nhân khiến 52% cử tri Anh bỏ phiếu chọn tách ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) chính là tâm lý "thù ghét" người di cư, kể cả người di cư từ các quốc gia khác trong EU đổ dồn vào Anh, coi đây như mối đe dọa đến công ăn việc làm và an ninh của người dân Anh. Thực tế là sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tháng 6-2016, làn sóng thù ghét người ngoại quốc, người di cư đã dâng cao tại Anh.
Lúc này, khi phân biệt chủng tộc bỗng nổi lên thành một cuộc khủng hoảng lớn mà nước Mỹ phải đối mặt thì nhiều người mới nhận ra rằng sống trong một đất nước đa sắc tộc cũng không có nghĩa là sự đa dạng sắc tộc ấy được trân trọng và đánh giá đúng. Chủ đề bình đẳng giữa các chủng tộc vẫn là câu chuyện khó không chỉ ở Mỹ và còn nhiều nước phương Tây.
Nhưng khi một vấn đề khó nói như phân biệt chủng tộc được chia sẻ cởi mở, đối thoại cởi mở, thì có nghĩa là những thay đổi tích cực sẽ sớm đến, những kỳ thị vô lý sẽ có cơ hội giảm dần. Như nhận định của Giáo sư Wong, giải quyết những vấn đề liên quan đến định kiến như phân biệt chủng tộc đòi hỏi ngày càng nhiều người nhận biết nó, muốn tìm hiểu nó.
"Tảng băng chìm" phân biệt chủng tộc của nước Mỹ lúc này đang nổi lên rõ hơn bao giờ hết nhưng cũng nhờ vậy, phải chăng người Mỹ có cơ hội thẳng thắn nhìn vào vấn đề nhức nhối đó và tìm cách giải quyết? Con đường xóa bỏ được tâm lý phân biệt chủng tộc còn rất dài, nhưng nhận diện và thừa nhận nó sẽ tạo điều kiện rút ngắn con đường đó, hơn là né tránh hay tảng lờ như thể vấn đề đó không hề tồn tại.
Theo HẢI VÂN (TTXVN)