Nhiều biện pháp được triển khai
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có khoảng 2.200 doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Các DN này đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 57.873 lao động. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 71 vụ tai nạn lao động, làm 15 người chết.
Nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn lao động chủ yếu do người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; việc huấn luyện về công tác bảo đảm ATVSLĐ chưa thường xuyên; thiếu biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong sản xuất và thi công...
Trước thực trạng trên, để tạo môi trường sản xuất - kinh doanh (SXKD) an toàn, hiệu quả, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến công tác ATVSLĐ gửi các sở, ban, ngành và các DN, cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về ATVSLĐ; phát hành tài liệu hướng dẫn thực hiện ATVSLĐ trong DN.
Năm 2019, đã in và phân phối 2.800 áp-phích tuyên truyền ATVSLĐ gửi về Phòng LĐ-TB&XH các địa phương trong tỉnh; các DN, cơ sở SXKD để phát động hưởng ứng Tháng hành động. Ngoài ra, còn phối hợp đơn vị chức năng in và treo 180 biểu ngữ, 700 hình ảnh trên các trục lộ chính, khu vực đông dân cư, khu vực chợ, siêu thị…
Tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động
Các đơn vị chức năng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra về ATVSLĐ tại 6 DN thuộc các lĩnh vực như: chế biến lương thực; may mặc xuất khẩu, chế biến rau quả thực phẩm đông lạnh... Các địa phương cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành 18 cuộc kiểm tra về công tác ATVSLĐ ở 215 DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh...
Qua kiểm tra cho thấy, tình hình chấp hành pháp luật về ATVSLĐ tại các DN đã có nhiều chuyển biến tích cực: có xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm; mua sắm, trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; đầu tư trang bị mới máy, thiết bị tăng năng suất lao động; tổ chức huấn luyện… Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, DN, cơ sở chưa thực hiện đầy đủ việc xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Năm qua, các sở, ban, ngành tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền gắn liền với tổ chức nhiều lớp tập huấn, huấn luyện và hướng dẫn về ATVSLĐ cho DN, người sử dụng lao động, NLĐ. Qua đó, đã tổ chức trên 21 lớp tập huấn cho 1.002 cán bộ quản lý, NLĐ trong DN; tổ chức khám sức khỏe cho 8.435 NLĐ tại các DN…
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Sơn đánh giá, thông qua các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ đã mang lại hiệu quả thiết thực, tác động đến ý thức người dân, người sử dụng lao động, NLĐ trong công tác ATVSLĐ. Các cấp, ngành, DN trên địa bàn hướng đến xây dựng văn hóa an toàn trong lao động sản xuất, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, do khó khăn về SXKD, một số DN đã thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Một số chế độ, chính sách của NLĐ chưa thực hiện tốt. DN còn chưa quan tâm, né tránh đến công tác ATVSLĐ…
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền đến các DN, NLĐ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giáo dục cho công nhân lao động nhằm nâng cao nhận thức về ATVSLĐ trong quá trình lao động, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho chính mình và góp phần phát triển sản xuất.
ĐỨC TOÀN