Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn

26/09/2018 - 07:46

 - 6 tháng của năm 2018, cả nước đã xảy ra 2.024 vụ cháy, làm 65 người chết, 133 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 1.300 tỷ đồng và 194ha rừng. Trong đó, xảy ra 19 vụ cháy lớn, gây thiệt hại gần 820 tỷ đồng. Thực trạng trên cho thấy, cháy, nổ đang trở thành vấn nạn lớn, nỗi lo thường trực trong đời sống xã hội, nhất là các đô thị, nhà cao tầng.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN) phân tích, các vụ cháy xảy ra từ đầu năm 2018 đến nay tập trung chủ yếu ở địa bàn đô thị, chiếm trên 60% tổng số vụ, cháy nhà dân chiếm tỷ lệ 50%, các cơ sở kinh tế tư nhân chiếm 35%. Nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện chiếm trên 50%; nguyên nhân do vi phạm, sơ suất trong quá trình sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt hóa chất chiếm 30%. Các vụ cháy lớn gây ra thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu tại các tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa và phát triển nhanh về kinh tế - xã hội. Cháy tập trung ở nhà dân kết hợp vừa ở, vừa sản xuất - kinh doanh quy mô nhỏ, cháy nhà chung cư, công trình cao tầng gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản...

Trước nguy cơ cháy, nổ diễn ra nhanh chóng và mức độ ngày càng tăng, đầu tháng 4-2018, Bộ Công an đã tổ chức đoàn liên ngành tổng kiểm tra công tác PCCC&CHCN trên cả nước, trong đó tập trung 7 thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả đã phát hiện 272 tồn tại, sai phạm như: không thành lập ban quản trị chung cư, hệ thống PCCC mang tính đối phó, không đảm bảo yêu cầu, thay đổi kết cấu so với ban đầu, gây nguy hiểm khi xảy ra sự cố.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn

Hội nghị trực tuyến về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn toàn quốc (điểm cầu An Giang)

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thời gian qua, các luật về PCCC ngày càng hoàn thiện, đây là hành lang pháp lý quan trọng cho việc xử lý các vi phạm về công tác PCCC. Công tác tuyên truyền về PCCC trong dân thực hiện tốt, lực lượng PCCC được kiện toàn, sáp nhập về bộ máy tổ chức, mạng lưới PCCC mở rộng, tăng cường các thiết bị PCCC, góp phần rất quan trọng kìm hãm số vụ hỏa hoạn ngày càng tăng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, tình hình cháy, nổ trong 5 năm qua ngày càng tăng, với 14.871 vụ, làm 406 người chết, 989 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 7.800 tỷ đồng. Nguyên nhân do một bộ phận cán bộ quản lý, người dân chưa ý thức về PCCC; các địa phương quy hoạch xây dựng chưa đảm bảo công tác PCCC; các tòa nhà cao tầng, khu dân cư chưa đảm bảo quy chuẩn PCCC; lực lượng PCCC chuyên trách còn yếu kém trong công tác PCCC&CHCN. Do vậy, Bộ Công an, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật; quy chuẩn liên quan công tác PCCC, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ thị về công tác PCCC&CHCN; xác định vai trò của người đứng đầu và xử lý nghiêm khi xảy ra sự cố. Phát huy phong trào toàn dân tham gia PCCC, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC cho người dân, phát huy phương châm “4 tại chỗ”, giúp người dân nhanh chóng khắc phục sự cố cháy, nổ, thiên tai, hỏa hoạn. Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, các hiệp hội đầu tư xây dựng; tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý Nhà nước, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn PCCC, xử lý nghiêm cơ sở không đủ quy chuẩn về PCCC, công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. UBND các tỉnh, thành phố tăng cường vai trò, trách nhiệm kiểm tra tất cả các công trình lớn, nhà cao tầng, khu dân cư đông đức. Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam đưa ra các tiêu chí PCCC để đánh giá hiệu quả, an toàn của các cơ sở sản xuất - kinh doanh; quan tâm đầu tư, hợp tác quốc tế, xã hội hóa trong việc trang bị thiết bị PCCC hiện đại cho lực lượng chuyên trách PCCC...

Bài, ảnh: NGỌC GIANG