Tăng cường giáo dục lý luận chính trị để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

29/10/2021 - 05:12

 - Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách chống phá Đảng, nhà nước, với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Do đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Nền tảng tư tưởng của Đảng là bộ phận quan trọng, nhân tố căn bản, cốt lõi, tạo cơ sở, tiền đề quyết định mọi hoạt động xây dựng, sinh hoạt và lãnh đạo của một Đảng. Giáo dục lý luận chính trị là một phần quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ cách mạng.

Để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; khắc phục một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, những năm qua, các cấp ủy Đảng đã chủ động triển khai tương đối toàn diện, có kết quả các công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao ý chí vượt qua mọi khó khăn thách thức, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đã chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực công tác và phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; có tinh thần đoàn kết, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, chính trị nói chung và giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Đó là “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”. Vẫn còn một số cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học tập lý luận chính trị. Việc ngại, lười học tập lý luận chính trị là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp, cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, hiểu nửa vời, thiếu lý lẽ để “lý giải” cho chính mình và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.

Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các cấp ủy Đảng cần tăng cường, nâng cao hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong thời gian tới. Theo đó, các cấp ủy Đảng, trước hết là đồng chí bí thư và thủ trưởng các cơ quan phải tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác tư tưởng. Mọi việc thành công hay không thành công trước hết phải bắt nguồn từ nhận thức tư tưởng, tư tưởng có thấm nhuần và thống nhất thì mới hành động đúng. Chính vì vậy, nếu làm tốt công tác tư tưởng, tích cực nắm bắt, giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề bức xúc về tư tưởng, gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị sẽ là yếu tố quyết định nhằm tạo nền tảng tư tưởng vững chắc trong toàn Đảng bộ.

Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt chẽ với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội trong bối cảnh đất nước và tỉnh nhà đang phải đối phó với những khó khăn, thách thức như hiện nay. Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; làm chuyển biến nhận thức và tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên. Khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong Đảng bộ và nhân dân.

Đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng; đa dạng hóa hình thức giáo dục lý luận chính trị trong Đảng và trong xã hội. Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình; khắc phục bệnh “lười” học tập lý luận chính trị, chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu để đạt kết quả cao trong học tập và lĩnh vực mà mình công tác, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” trong tình hình mới.

M.T