Tăng cường hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội

09/10/2023 - 23:56

 - Hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang ngày càng thiết thực, nâng chất, đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua giám sát, đơn vị đưa ra nhiều kiến nghị về lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương; góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, được Nhân dân đồng tình, đánh giá cao; nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.

Chủ động giám sát

Theo lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, giám sát việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị ở địa phương được đưa vào chương trình hoạt động đầu năm của đơn vị, với nhiều hình thức khác nhau, như: Thông qua báo cáo định kỳ của UBND tỉnh về kinh tế - xã hội; công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; lồng ghép với các hoạt động giám sát trên lĩnh vực khác (nhưng có liên quan đến khiếu nại, tố cáo cụ thể của công dân); giám sát thông qua việc tham dự cuộc họp của Ban Chỉ đạo giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp trên địa bàn tỉnh của Tỉnh ủy; tham gia giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài…

Gần đây nhất, đơn vị chủ động đề xuất, đăng ký tham gia cùng đoàn khảo sát, giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023. “Hầu như 100% bức xúc, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, ngoài gửi về chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người dân đều gửi đến Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Chúng tôi đang theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo ở tỉnh, làm cơ sở báo cáo Ban Dân nguyện của Quốc hội, đề xuất điều chỉnh, bổ sung pháp luật liên quan. Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, thấy được niềm tin của người dân đối với đại biểu dân cử, nên cố gắng tiếp nhận, xử lý, chuyển đơn; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của các cơ quan thẩm quyền.

Không ít đơn thư ĐBQH chuyển đến đã được các cơ quan xem xét, giải quyết đúng yêu cầu của cử tri, trên tinh thần tự giác và cầu thị. Một số đơn thư có tính chất phức tạp, kéo dài, giải quyết nhiều lần không dứt điểm, ĐBQH tỉnh tiến hành khảo sát, giám sát nội dung đơn cụ thể, tìm hướng tháo gỡ cho người dân và cả chính quyền, từ đó đã tạo được niềm tin trong Nhân dân” - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang chất vấn tại các phiên họp Quốc hội

Từ năm 2016 đến tháng 9/2023 (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay), Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 18 đoàn giám sát chuyên đề, 3 đoàn khảo sát tại địa phương, đúng theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau các cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang báo cáo kết quả giám sát, gồm 184 nội dung kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, cơ quan liên quan. Các kiến nghị sau giám sát của đơn vị được các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương quan tâm trả lời, xem xét giải quyết, từng bước tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, đáp ứng yêu cầu của cử tri và Nhân dân.

Chất vấn thay cho người dân

Từ đầu nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV đến nay, ĐBQH tỉnh An Giang tích cực tham gia 15 lượt chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, ĐBQH gửi 10 nội dung chất vấn bằng văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chuyển đến Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đề xuất 7 nhóm vấn đề chất vấn bằng văn bản đến Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế...

Điển hình như, tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 5, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương đề nghị cho phép học sinh được lựa chọn nơi tham gia bảo hiểm y tế, không nhất thiết phải tham gia tại trường học, giúp giảm bớt gánh nặng cho hộ gia đình vào đầu năm học. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận, sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi; trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.

Nhìn chung, qua các phiên chất vấn, ĐBQH tỉnh đặt câu hỏi rõ ràng, đi thẳng vào trọng tâm. Các ý kiến chất vấn đều xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phù hợp thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình chất vấn, các vị ĐBQH không những nêu lên hạn chế, bất cập, phản ánh được ý kiến, trăn trở của bà con cử tri, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cùng với Chính phủ, bộ, ngành và địa phương trong triển khai chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì sự phát triển của đất nước.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát năm 2015, trong đó quy định rõ các cơ quan chịu sự giám sát phải có báo cáo kết quả thực hiện, giải quyết ý kiến đề nghị, kiến nghị của đoàn giám sát, tạo cơ sở theo dõi hậu giám sát.

Đồng thời, cần quy định trách nhiệm, chế tài, biện pháp xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu chậm (hoặc không) thực hiện ý kiến, đề nghị của đoàn giám sát thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành mình phụ trách. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan thẩm quyền trong hoạt động khảo sát, giám sát, thanh, kiểm tra, hạn chế tình trạng trùng lắp nhiều lần gây phiền hà, ảnh hưởng hoạt động của cơ quan, đơn vị được chọn khảo sát, giám sát.

GIA KHÁNH