Tăng cường hợp tác, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước

29/12/2019 - 09:47

Tại hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương diễn ra ngày 17-12-2019, tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham dự Bộ trưởng Tài nguyên nước của các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã thống nhất tiếp tục tăng cường hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương.

Tăng cường hợp tác Tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương.

 Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành (đứng giữa) làm Trưởng đoàn tham dự hội nghị  Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương. An Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư (thứ 2, từ trái sang)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương.

Đoàn Việt Nam dự hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm Trưởng đoàn, cùng đại diện các Bộ: Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh An Giang.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành đánh giá cao các thành tựu của hợp tác tài nguyên nước Mê Kông-Lan Thương và khẳng định sự tham gia tích cực và đóng góp có hiệu quả của Việt Nam trong cơ chế hợp tác này. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của hợp tác Mê Kông-Lan Thương vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia ven sông trong lưu vực, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành đề nghị, thời gian tới hợp tác tài nguyên nước cần ưu tiên thúc đẩy 5 hoạt động chính:

Một là, đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch hành động hợp tác nguồn nước 5 năm (2018-2022) thông qua thực hiện các chương trình, dự án chung đã được phê duyệt và tiếp tục xác định các dự án và hoạt động chung.

Hai là, tăng cường và mở rộng các lĩnh vực hợp tác, bao gồm cả chia sẻ thông tin số liệu, kinh nghiệm quản lý và trao đổi khoa học-kỹ thuật, đặc biệt hướng tới đạt được một cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu toàn diện cho toàn lưu vực sông Mê Kông.

Ba là, tăng cường tham vấn, đối thoại trong xây dựng chính sách, kế hoạch, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý vì lợi ích chung của tất cả các nước trong lưu vực tiến tới xây dựng một chiến lược chung về quản lý tài nguyên nước cho lưu vực sông Mê Kông - Lan Thương, trên cơ sở thiết lập mạng lưới giám sát diễn biến trong lưu vực; các nghiên cứu tác động của các hoạt động phát triển và biến đổi khí hậu; các giải pháp phòng chống giảm nhẹ và thích ứng của từng quốc gia ven sông.

 

Bốn là, nghiên cứu, trao đổi thông tin và kinh nghiệm, xây dựng các quy định chung nhằm tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; an toàn công trình.

Năm là cần thúc đẩy sự phối hợp giữa cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương với các cơ chế hợp tác Mê Kông khác, đặc biệt là Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, nhằm phát huy tối đa các cơ sở kiến thức sẵn có của các cơ chế này đã được xây dựng trong nhiều năm qua.

Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi các bên nghiên cứu, trao đổi thông tin và kinh nghiệm, xây dựng các quy định chung nhằm tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, an toàn công trình; thúc đẩy sự phối hợp giữa cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương với các cơ chế hợp tác Mê Kông khác, đặc biệt là Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, nhằm phát huy tối đa các cơ sở kiến thức sẵn có của các cơ chế này đã được xây dựng trong nhiều năm qua.

Tại hội nghị, đại diện 6  nước đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị cấp Bộ trưởng hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương và thống nhất tổ chức thường xuyên và luân phiên Hội nghị cấp bộ trưởng hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương

Được biết, hợp tác Mê Kông - Lan Thương đã được bắt đầu từ năm 2016, trong đó hợp tác về tài nguyên nước đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu như thiết lập cơ chế hợp tác về tài nguyên nước trong lưu vực, thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm hợp tác Tài nguyên nước Mê Kông-Lan Thương, tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác tài nguyên nước Mê Kông-Lan Thương lần thứ nhất, tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin số liệu trên phạm vi toàn lưu vực, đặc biệt là các số liệu thủy văn trong mùa lũ, nhiều dự án hợp tác chung giữa các nước đã được xây dựng và triển khai có hiệu quả...

Tại hội nghị, các Bộ trưởng tiếp tục khẳng định Hợp tác Tài nguyên Nước Mê Kông - Lan Thương thời gian tới sẽ tiếp tục gắn chặt với chủ đề "Cùng chia sẻ dòng sông, cùng chia sẻ tương lai"; phối hợp chặt chẽ trong các hành động chung nhằm thực hiện các quyết định của lãnh đạo cấp cao; nỗ lực hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động 5 năm của hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương (2018-2022). Đồng thời, tăng cường và mở rộng hợp tác về chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các quốc gia thành viên nhằm hướng tới đạt được một cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu toàn diện cho Hợp tác Mê Kông - Lan Thương; tăng cường năng lực trong phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của các thiên tai liên quan đến nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường đối thoại và phối hợp giữa các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan đến nước; thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến nước, duy trì cân bằng giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên nước; khuyến khích phát triển đồng hành cơ chế Hợp tác Tài nguyên Nước Mê Kông - Lan Thương với các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác..

Ý tưởng hợp tác Mê Kông – Lan Thương với sự tham gia của 6 nước ven sông (gồm: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc) được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012.

Là một trong những thành viên tích cực của cơ chế Hợp tác Mê Kông-Lan Thương, thời gian qua Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các nước tiểu vùng Mê Kông triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mê Kông - Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mê Kông, trong đó có việc đóng góp tài chính, chuyên gia làm việc tại trung tâm này. Việt Nam đã tham gia tích cực vào hợp tác Mê Kông - Lan Thương với nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác, góp phần thúc đẩy hợp tác Mê Kông -Lan Thương đi vào thực chất.

Cụ thể, Việt Nam đã đề xuất nhiều dự án và đã được các nước nhất trí đưa vào danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của cơ chế Hợp tác Mê Kông-Lan Thương. Các dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của cơ chế Hợp tác Mê Kông-Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt, hạn hán trong lưu vực sông Mê Kông - Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng. Việt Nam cũng kiến nghị cần chú trọng tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông MêKông nhằm đạt được cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nước ven sông.

HẠNH CHÂU