
Tuyên truyền vận động thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh tỉnh An Giang là 113,70 trẻ trai/100 trẻ gái, cao hơn 3,2 điểm phần trăm so với bình quân cả nước (110,5 trẻ trai/100 trẻ gái). Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2019, tỷ số này ở mức 113,20 trẻ trai/100 trẻ gái, cao hơn 1,7 điểm phần trăm so bình quân cả nước (111,5 trẻ trai/100 trẻ gái). Tỷ số này giảm xuống còn 111,9 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2020, giảm 0,2 điểm phần trăm so với bình quân cả nước (112,1 trẻ trai/100 trẻ gái); giảm 1,3 điểm phần trăm so năm 2009, trung bình mỗi năm giảm 0,13 điểm phần trăm.
An Giang đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp can thiệp nhằm từng bước khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt như mong muốn, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh chưa giảm. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao, đặc biệt là vùng nông thôn (117,7 trẻ trai/100 trẻ gái) đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và là vấn đề nóng đối với công tác dân số tại địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được xác định do các yếu tố: Sự ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng nho giáo, tâm lý thích con trai ăn sâu vào tiềm thức của nhiều cá nhân, cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ; việc dễ dàng tiếp cận, lạm dụng sự phát triển của công nghệ và sự tiến bộ của y học hiện đại trong hỗ trợ người dân áp dụng các biện pháp để lựa chọn giới tính thai nhi; chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa bảo đảm nên khi về già người cao tuổi chủ yếu sống dựa vào con, đặc biệt là tư tưởng dựa vào con trai.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến thừa nam, thiếu nữ trong tương lai, làm biến đổi các chỉ số nhân khẩu học, cơ cấu dân số theo giới tính. Đồng thời, tác động trực tiếp đến cơ cấu lao động, việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia và mỗi địa phương.
Với tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của việc giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng. Đặc biệt là đội ngũ cung cấp dịch vụ y tế và người dân trong việc thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát tốt tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian tới. Qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên” theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới.
Thời gian thực hiện từ năm 2021-2030, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2021-2025), tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, vận động và thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở cung cấp các dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm giảm đáng kể tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Giai đoạn 2 (2026-2030), triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông, vận động, thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ; thanh, kiểm tra các cơ sở cung cấp các dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm duy trì tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.
11 nội dung chủ yếu để thực hiện đạt kế hoạch, gồm: Tăng cường cung cấp thông tin về thực trạng, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh cho cấp ủy Đảng, lãnh đạo. Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông. Đưa nội dung tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các trường học, cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, xây dựng, thử nghiệm và mở rộng triển khai các mô hình (câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3; điểm tuyên truyền, góc sinh hoạt về giới và bình đẳng giới). Tổ chức các hoạt động, hội nghị, hội thảo về mất cân bằng giới tính khi sinh. Thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Tăng cường thực thi pháp luật về bình đẳng giới, cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế, dân số. Thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Tỉnh hướng đến mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Phấn đấu giảm dần hàng năm và đạt mức cân bằng tự nhiên, góp phần bảo đảm cân bằng giới tính hợp lý, thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. |
HẠNH CHÂU