Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

29/03/2022 - 07:02

 - Chưa đến mùa mưa, nhưng 3 tháng đầu năm 2022, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại An Giang bùng phát mạnh, đứng thứ 2 khu vực phía Nam, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh ghi nhận 909 ca mắc SXH, tăng 232% so cùng kỳ năm trước, tăng 274 ca và 99% so số ca mắc trung bình 5 năm (từ 2015-2020). Đỉnh điểm dịch có thể xảy ra vào mùa mưa sắp tới, nếu các địa phương không phòng, chống dịch hiệu quả.

Khám và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Sở Y tế cho biết, 10/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc tăng trên 100% so với cùng kỳ (trừ  huyệnTri Tôn), cụ thể như: TP. Long Xuyên, huyện Châu Phú, Tịnh Biên, Thoại Sơn... Ngành y tế đã phát hiện, xử lý hơn 320 ổ dịch SXH, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

BS CKII Tôn Quang Chánh, Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi An Giang cho biết: “Bệnh viện đã chuẩn bị thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, nhân lực để chuẩn bị đối phó dịch SXH, đồng thời tổ chức tập huấn chuyên môn cho bác sĩ tuyến tỉnh, huyện theo chỉ đạo của Sở Y tế. Hiện, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tăng, trong khi người dân dễ lẫn lộn biểu hiện sốt do dịch bệnh COVID-19 và SXH, nhiều trường hợp đến bệnh viện trễ, trong tình trạng nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị”.

Ths.BS Trang Thanh Minh Châu, Phó Trưởng khoa Nội (Bệnh viện Sản-Nhi An Giang) cho biết: “3 tháng đầu năm 2022, Khoa Nội tiếp nhận điều trị hơn 300 ca SXH, trong khi cả năm 2021 chỉ tiếp nhận, điều trị gần 430 ca. Nếu tình hình dịch bệnh tăng, thiếu giường thì bệnh viện sẽ tăng cường giường điều trị thêm ở khoa khác. Trang thiết bị vật tư y tế đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên do một số y, bác sĩ nhiễm COVID-19 trong khi bệnh nhân đông, khoa phải tăng ê-kíp trực, tăng số ngày trực để đảm bảo nhân sự phục vụ công tác điều trị”.

Cũng theo BS Châu, năm nay, dịch SXH tăng, nhiều ca nặng hơn so với trước và đa phần bệnh nhân đến trễ. Sợ dịch COVID-19, người nhà ngại đến bệnh viện, tự mua thuốc điều trị. Nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng sốc nặng, rất may được cấp cứu kịp thời, nên không tử vong. Đề nghị phụ huynh khi con có biểu hiện bệnh, sốt, phải đưa đến cơ sở y tế khám. Bệnh nhân nhiễm COVID-19, cảm thông thường hay SXH, người nhà khó phân biệt được, cần bác sĩ khám điều trị. Trong khi bệnh này chưa có thuốc đặc trị, khi mắc bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà”.

Để bệnh SXH không bùng phát nhanh khi mùa mưa đến gần, ngành y tế An Giang quyết liệt giám sát, phát hiện và xử lý sớm từng ổ dịch, hạn chế thấp nhất tử vong. Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền đề nghị: “Các địa phương cần tăng cường giám sát, chỉ đạo tổ chức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và phun hóa chất dập dịch chủ động tại các khu vực có nguy cơ cao. Giám sát, phát hiện và xử lý sớm, có hiệu quả từng ổ dịch, không để bùng phát dịch. Các địa bàn đang có số ca mắc SXH tăng nhanh cần đánh giá, theo dõi chặt các điểm nóng, khu vực gia tăng, xây dựng kế hoạch chống dịch kịp thời. Tại những khu vực đã có kế hoạch can thiệp, tiếp tục xử lý dịch, mở rộng quy mô can thiệp khi dịch lan rộng”.

Nhằm khống chế dịch SXH, hạn chế bệnh nặng, tử vong, giảm áp lực tại địa phương, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp huyện tổ chức tập huấn, tập huấn lại nâng cao năng lực bác sĩ, điều dưỡng tham gia điều trị SXH. Phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có nhiều bệnh nhân cùng lúc và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Tổ chức tốt công tác thu dung, chăm sóc và điều trị bệnh nhân, tránh để bệnh nhân chuyển nặng.

Ngành y tế tăng cường đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động phòng, chống SXH, như: Lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt lăng quăng/bọ gậy, nằm mùng chống muỗi đốt, nắm rõ các dấu hiệu bệnh SXH. Tăng cường giám sát dựa vào sự kiện (EBS) nhằm phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch ngoài cộng đồng. Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng các nơi có yếu tố nguy cơ cao; theo dõi sát diễn biến tình hình bệnh SXH hàng ngày để khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực có dịch. Đồng thời, tăng cường giám sát véc-tơ truyền bệnh, điều tra dịch tễ tại khu vực có ổ dịch cũ, các vùng nguy cơ. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, nhân lực để đáp ứng kịp thời phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

HẠNH CHÂU