Năm 2017, nhờ tích cực, chủ động phòng ngừa và đối phó tình hình dịch bệnh đã kịp thời phát hiện và xử lý, phun hóa chất 303 ổ dịch SXH và 77 ổ dịch TCM. Tuy nhiên số cas mắc vẫn cao, đứng nhất tỉnh: 1.218 cas SXH, tăng 432 cas so với cùng kỳ; 646 cas mắc TCM, tăng 321 cas so với cùng kỳ; cả 2 dịch bệnh SXH, TCM đều xảy ra ở 18/18 xã, thị trấn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh cao là nhận thức và thực hành hành vi phòng bệnh của người dân chuyển biến chậm. Khả năng cung cấp nước sinh hoạt ở một số địa phương hạn chế nên người dân tích trữ nước, không có nắp đậy cẩn thận, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển. Trong khi đó bệnh SXH, TCM chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị hiệu quả nên dịch bùng phát.
Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Bình Đặng Phước Hiệp (Chợ Mới, An Giang) dẫn chứng: “Để tập hợp người dân tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh là rất khó do không có kinh phí. Một số hộ dân chưa quan tâm phòng, chống dịch bệnh, khi có dịch bệnh xảy ra cán bộ y tế đến tuyên truyền nhắc nhở người dân đổ lu hủ, vệ sinh môi trường... một số hộ dân còn không đồng tình, không hợp tác”.
Phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch SXH
Trong xử lý ổ dịch, tuy thành viên đội đặc nhiệm (10 người) đã được củng cố nhưng khi xử lý môi trường diệt lăng quăng vẫn chưa tham gia đầy đủ. Sự phối hợp của địa phương chưa cao và chưa nhiệt tình, nên phần lớn các ổ dịch chỉ số BI còn cao, phải thực hiện lại lần 2. Đặc biệt, khi triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch chưa được Ban Nhân dân ấp hỗ trợ tốt.
Trưởng Trạm Y tế xã Tấn Mỹ (Chợ Mới, An Giang) Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ: “Cần đánh giá hết tình hình, nhất là hiệu quả chiến dịch, qua đó khắc phục điểm mạnh, điểm yếu trong phòng, chống dịch bệnh mới mong dập dịch có hiệu quả. Mội đợt ra quân dập dịch có thành viên còn chưa nhiệt tình tham gia, làm qua loa nên khi kiểm tra chỉ số BI không đạt. Bên cạnh đó, một số hộ dân chưa có ý thức trong phòng, chống dịch bệnh, chưa có biện pháp tự diệt lăng quăng tại nhà”.
Chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh được các xã, thị trấn tổ chức thực hiện theo kế hoạch nhưng còn thiếu kiểm tra, giám sát. Công tác phối hợp giữa trạm y tế với các ban, ngành, đoàn thể xã, ấp chưa chặt chẽ. Việc huy động các lực lượng tham gia chiến dịch chưa đầy đủ và chưa kiên quyết xử lý còn để người dân hứa hẹn.
Trưởng Trạm Y tế thị trấn Chợ Mới Huỳnh Văn Beo cho rằng: “Các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tuy được thực hiện quyết liệt nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn, chưa có được sự cộng tác và đồng tình của người dân”. Ông Beo đề xuất: “Cần xác định rõ để vận động người dân tự hành động trong phòng, chống dịch bệnh.
Năm 2018, Chợ Mới tiếp tục củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh từ huyện đến xã; nâng chất hoạt động đội chống dịch cơ động tuyến huyện, đội đặc nhiệm xử lý ổ dịch tuyến xã. Tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các xã.
“Cần giám sát, phát hiện cas bệnh tại các cơ sở điều trị. Đặc biệt, xác định đúng nguyên nhân, đường lây truyền để cắt đứt nguồn lây, khống chế dịch lan rộng; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, nhân viên UBND các xã, thị trấn, ngành y tế, đoàn thể, khóm ấp, thành viên Ban Chỉ đạo và nâng cao ý thức người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không làm thay, xử phạt người dân cố tình vi phạm... góp phần chăm sóc tốt sức khỏe người dân” - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Huỳnh Thị Nguyệt Hồng nhấn mạnh.
“Để hạn chế dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện cần chủ động tham mưu UBND huyện các biện pháp phòng, chống; các cơ quan, ban, ngành, xã, thị trấn phải triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Phòng Giáo dục và Đào tạo cần đưa các nội dung phòng, chống dịch bệnh vào chương trình sinh hoạt, đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh, cộng đồng diệt lăng quăng, hạn chế muỗi; khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc, hạn chế tử vong” - bà Hồng lưu ý
|
HẠNH CHÂU