Mới đầu mùa khô nhưng số người mắc các “bệnh mùa nóng” đã có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các dịch bệnh mùa nóng như: tay - chân - miệng (TCM), SXH là 2 dịch bệnh lưu hành ở An Giang, ngoài ra còn có các bệnh khác như: thủy đậu, quai bị, viêm não Nhật Bản, cúm, đau mắt đỏ, thương hàn, tiêu chảy, liên cầu lợn...
Tuy các bệnh có giảm so cùng kỳ năm 2017, nhưng dễ dàng lây lan và gia tăng nếu người dân không nâng cao ý thức phòng ngừa.
Tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, mỗi ngày có hơn 400 bệnh nhi đến khám và điều trị, trong đó nhập viện điều trị nội trú khoảng 30 trường hợp.
TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cho biết: số cas bệnh nhiều nhất hiện nay là tiêu chảy và sốt siêu vi, còn các "bệnh mùa nóng" như: sởi, sốt phát ban... ít xuất hiện. Đặc biệt, bệnh thủy đậu đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng ít xuất hiện ở An Giang.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 1.000 cas tiêu chảy (giảm 20% so cùng kỳ năm 2017), thủy đậu 34 cas (giảm 26%), TCM 109 cas (giảm 48%), riêng bệnh quai bị 43 cas (tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2017).
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các bếp ăn trường học góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
BS Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: mọi người có thể mắc bệnh truyền nhiễm vào mùa nóng, nhưng trẻ em và người già là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công nhất.
Trong đó, bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ em từ 6-12 tháng tuổi, TCM thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, quai bị thường gặp ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, thủy đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi, viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ từ 3-5 tuổi…
Ngoài các yếu tố do thời tiết, biến đổi khí hậu tác động khiến các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển mạnh thì môi trường sống bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm tại nhiều nơi chưa bảo đảm là nguyên nhân chính khiến một số bệnh gia tăng. Cùng với đó, ý thức phòng, chống dịch bệnh của nhiều người còn rất chủ quan.
Vì vậy, công tác phòng bệnh, nhất là với trẻ em, cần được chủ động thực hiện tốt ở gia đình và trường học. Nhà trường cần phối hợp tốt với phụ huynh trong việc giám sát, theo dõi sức khỏe trẻ nhỏ.
Để phòng, chống dịch bệnh mùa nóng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân lưu ý: ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin tăng sức đề kháng của cơ thể.
Người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Các gia đình (và trường học, nhà trẻ) thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tích cực thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng (như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, vỏ xe cũ...) để phòng, chống bệnh SXH.
Đặc biệt, gia đình cần đưa trẻ đi tiêm Vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Khi mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
BS Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lưu ý: “đang bắt đầu vào mùa nóng, người dân đặc biệt lưu ý phòng các bệnh dễ mắc phải như: thủy đậu, viêm não Nhật Bản, dại... Mặc dù hiện nay các loại bệnh này xảy ra ở tỉnh ta còn ít (chưa bùng phát như ở nhiều tỉnh, thành phố) nhưng tuyệt đối không chủ quan. Ngành y tế đang tích cực phối hợp địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống và tuyên truyền cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh”. |
Bài, ảnh: HỮU HUYNH