Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ tử vong

17/05/2020 - 09:04

Kết quả điều tra của Bộ Y tế gần đây nhất cho thấy trong 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.

Theo dõi huyết áp cho người dân tại trạm y tế xã. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính.

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu (12,7%), cao hơn các nguyên nhân khác.

Tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về bệnh tăng huyết áp dẫn tới việc kiểm soát và chữa trị không kịp thời có thể gây ra nhiều tổn hại về sức khoẻ, thậm chí tử vong.

Vấn đề đáng báo động

Theo đánh giá của WHO, tăng huyết áp là một bệnh lý rất thường gặp trong cộng đồng. Tỷ lệ người mắc bệnh này ngày càng tăng và số người trẻ bị tăng huyết áp có khuynh hướng tăng lên.

Tại Việt Nam, người lớn mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960 tỷ lệ tăng huyết áp là khoảng 1% dân số, năm 1992 tỷ lệ này là 11%, năm 2001 là 16%, năm 2005 là 18%, năm 2015 là 25%.

Theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn (từ 25 tuổi trở lên) tại 8 tỉnh và thành phố của Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp đã tăng lên đến 25,1%, nghĩa là cứ 4 người lớn ở Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp.

Kết quả điều tra của Bộ Y tế gần đây nhất cho thấy trong 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị; đồng thời có tới 79% số người có nguy cơ tim mạch hiện không được tư vấn, quản lý dự phòng.

Trong số những người bị bệnh tăng huyết áp có tới 52% (khoảng 5,7 triệu người) là không biết mình mắc bệnh, 30% (khoảng 1,6 triệu người) của những người đã biết nhưng vẫn không có một biện pháp điều trị nào và 64% những người đó (khoảng 2,4 triệu người) đã được điều trị nhưng vẫn chưa đưa được huyết áp về số huyết áp mục tiêu.

Như vậy hiện nay Việt Nam có khoảng 9,7 triệu người dân hoặc là không biết bị tăng huyết áp, hoặc biết mình mắc bệnh này nhưng không được điều trị hoặc có điều trị nhưng chưa đưa được số huyết áp về mức bình thường.

Căn bệnh giết người thầm lặng

Giáo sư Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch thường trực Hội tim mạch Việt Nam phân tích trong những năm gần đây, tăng huyết áp ngày càng phổ biến do: sự gia tăng dân số, lão hóa và các nguy cơ liên quan đến hành vi như chế độ ăn uống không lành mạnh, hấp thụ quá nhiều muối, lạm dụng rượu bia, ít vận động thể lực, thừa cân và thường xuyên căng thẳng trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, tăng huyết áp còn tác động không nhỏ đến gia đình, xã hội và nền kinh tế của mỗi quốc gia khi kéo theo nhiều trường hợp tử vong sớm, tàn phế, chi phí chữa trị đáng kể, mất nguồn thu nhập; gây xáo trộn đời sống của mỗi cá nhân và gia đình.

Theo giáo sư Việt, tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động.

Nếu không được kiểm soát và chữa trị, tăng huyết áp có thể gây ra nhiều tổn hại và thậm chí chết người. Nhiều người gọi đây là “căn bệnh giết người thầm lặng” vì tăng huyết áp thường không biểu hiện triệu chứng và người bệnh không biết động mạch, tim cùng nhiều cơ quan khác trong cơ thể họ đang bị tổn thương.

Dấu hiệu bệnh tăng huyết áp

Bộ Y tế khuyến cáo tăng huyết áp là bệnh mạn tính và tiến triển một cách âm thầm. Vì vậy, đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để người dân phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, đặc biệt người trên 40 tuổi. Người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.

Tăng huyết áp đối với người từ 18 tuổi trở lên khi người đó có ít nhất một trong hai số huyết áp sau: (1) huyết áp tối đa lớn hơn hoặc bằng 140 mm Hg và/ hoặc (2) huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 90 mm Hg. Như vậy, nếu con số huyết áp là 150/80, 130/100 hoặc 150/90 mmHg… sau nhiều lần đo thì đều gọi là tăng huyết áp.

Theo giáo sư Nguyễn Lân Việt, việc đo kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách đơn giản nhất, duy nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Để đo huyết áp, người được đo cần được nghỉ khoảng 5 phút trước khi đo; không sử dụng các chất kích thích trước đó 2 giờ (rượu. thuốc lá, cà phê…); không dùng thuốc cường giao cảm (như 1 số thuốc nhỏ mũi)...

Kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Người bệnh khi thấy xuất hiện các triệu chứng sau thì nên đo huyết áp, đó là: nhức đầu (thường là sau gáy); xây xẩm; hồi hộp; dễ mệt; bất lực (ở nam giới); mờ mắt; dễ toát mồ hôi; yếu nửa người hay một chi; đau ngực; khó thở; tiểu nhiều; dễ xúc động; tăng cân... Với người lớn, dù trong người thấy bình thường, nhưng cũng cần kiểm tra định kỳ số đo huyết áp.

Đặc biệt, người dân cần thay đổi hành vi, lối sống không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu, bia quá độ…, chế độ dinh dưỡng cần giảm muối, bớt mỡ, tăng cường rau, quả, trái cây tươi; vận động thể lực đều đặn... là biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh tăng huyết áp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch. Đối với người bị tăng huyết áp, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần nếu so với người không bị tăng huyết áp.

Để góp phần giải quyết một cách hiệu quả những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực này, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 đã đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp quan trọng để dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng.

Việc phòng ngừa và kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác sẽ góp phần hạn chế được tối đa các biến chứng nguy hiểm do bệnh này gây nên.

Năm nay, tuần lễ hưởng ứng Ngày tăng huyết áp diễn ra từ ngày 17 đến 24-5.

Mục tiêu chương trình Quốc gia về phòng chống Tăng huyết áp năm 2020 nhằm thúc đẩy hơn nữa tinh thần tiên phong trong công tác phòng ngừa và quản lý các bệnh lý không lây nhiễm (đặc biệt là Tăng huyết áp).

Mục tiêu “Đo huyết áp 6 tháng một lần nhằm phát hiện sớm Tăng huyết áp” để hướng đến năm 2025, toàn dân Việt Nam trên 40 tuổi cần được đo Huyết áp ít nhất mỗi 6 tháng một lần.

Theo THÙY GIANG (Vietnam+)