Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II và sáu tháng đầu năm 2024 diễn ra ngày 29/6, Tổng cục Thống kê cho biết kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi rõ nét hơn.
AA
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Aeon Mall Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung sáu tháng đầu năm, GDP tăng 6,42%, so với giai đoạn 2020-2024 chỉ thấp hơn mức tăng 6,58% của cùng kỳ năm 2022.
Đáng lưu ý, tốc độ phục hồi tích cực của khu vực sản xuất công nghiệp rõ nét hơn khi Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tục duy trì mức hơn 50 điểm trong những tháng gần đây. “Con số này phản ánh sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi và có xu hướng mở rộng”, bà Nga nói. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng đạt mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, trong quý II, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực trên nền tăng trưởng khá thấp của cùng kỳ năm 2023 với giá trị tăng thêm đạt 8,55% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bứt phá với tốc độ tăng đạt 10,04%; ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 14,15%, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu điện như cùng kỳ năm 2023. Tính chung sáu tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 7,54%, nhiều ngành cấp 2 cũng có mức tăng trưởng hai con số.
Hoạt động nhập khẩu hàng hóa cũng tăng trở lại, bảo đảm cung cấp nguyên, nhiên vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cùng với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng khá.
Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu 11,63 tỷ USD. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực chiếm tỷ trọng cao trong giá trị xuất khẩu như hàng điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; dệt may…
Lạm phát trong tầm kiểm soát
Trước băn khoăn của dư luận về việc tăng lương sẽ gây áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm, Vụ trưởng Thống kê giá Nguyễn Thị Thu Oanh cho biết, từ đầu năm nay, Tổng cục Thống kê đã xây dựng ba kịch bản điều hành lạm phát, tương ứng với CPI tăng 3,8%; 4,2% và 4,5%.
Trong sáu tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 4,08% là tương ứng với hai kịch bản 1 và kịch bản 2, vẫn nằm trong mục tiêu điều hành và là mức tăng phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng cả năm. “Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt mức mục tiêu lạm phát 4,5% của cả năm, dư địa cho bình quân sáu tháng cuối năm là CPI tăng 4,9% so cùng kỳ, đây là dư địa khá lớn và là cơ hội để cho các ngành, địa phương thực chỉnh giá đối với các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình, nhưng vẫn cần thận trọng về thời điểm và mức độ điều chỉnh giá”, bà Oanh nhấn mạnh.
Đánh giá tác động của chính sách tiền lương mới đối với lạm phát, bà Oanh dẫn số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2009 đến ngày 1/7/2024, tiền lương cơ sở đã tăng 280%, lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp tăng 480%, trong khi CPI tăng 108%.
Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn nhiều so với tăng lương, cho thấy Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thật sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động. Trước đây, giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương, thì trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát.
Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước sáu tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho rằng, nếu không có biến động lớn về tình hình địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến tình hình trong nước, có khả năng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%. Theo Vụ trưởng hệ thống tài khoản quốc gia Nguyễn Thị Mai Hạnh, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5%, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; phát huy hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được đề ra trong các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế.
Ở góc độ sản xuất, các ngành, lĩnh vực cần bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh để chủ động ứng phó rủi ro phát sinh, tập trung vào các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường...
Ở góc độ sử dụng, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trước thực tế động lực tiêu dùng chưa phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng, cần xây dựng và thực hiện mạnh mẽ các chính sách, chương trình thúc đẩy tiêu dùng hộ dân cư. Phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế…
Theo Nhân Dân
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: