Tăng tự chủ cho ngành công nghiệp

02/04/2024 - 08:16

Nhiều ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp đang phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất. Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đặc biệt là tự chủ các vật liệu cơ bản, hỗ trợ cho sản xuất của doanh nghiệp trong nước là kỳ vọng của các doanh nghiệp, cũng như mục tiêu mà Bộ Công Thương đặt ra.

Chú thích ảnh

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Khả năng tự chủ yếu

Theo báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp của Việt Nam dù đang phát triển mạnh mẽ song chưa thực sự đi vào chiều sâu. Tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất ở nhiều ngành hàng còn ở mức cao, chỉ chủ động được ở mức thấp, khiến cho doanh nghiệp trong nước chỉ dừng ở sản xuất gia công mà chưa có đạt được những giá trị gia tăng cao hơn.

Cụ thể, đại diện Cục Công nghiệp cho biết, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu, đặc biệt ở các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc… Vì thế, tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5 - 10%, đồng thời phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chính.

Đến nay, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt hơn 50% và 37%. Ngược lại, một số nước ASEAN, giá trị gia tăng trong thương mại đang thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và sự phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong dài hạn, nền kinh tế vốn có độ mở lớn, dễ chịu tổn thương và nhạy cảm với những biến động từ bên ngoài, đại diện Cục Công nghiệp cho hay. 

Theo chia sẻ của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư về sản xuất chip, năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi... nhưng nhìn lại năng lực trong nước, chúng ta chưa chủ động và sẵn sàng để tự chủ được khâu nào trong rất nhiều công đoạn sản xuất. 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, việc chưa thể hợp tác, nắm bắt được kỹ thuật, công nghệ khi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam là thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt. Hiện nay với các tập đoàn nước ngoài, chúng ta có rất ít doanh nghiệp có thể tham gia sản xuất cấp 3, cấp 2 cho họ. Đơn cử như công nghiệp ô tô Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành, sản xuất cửa, thiết bị điện... mà chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi. Vì thế, chúng ta đang ở công đoạn lắp ráp ô tô, chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đã tăng đáng kể, đạt 41,9% (tăng gần 10% trong 10 năm). Dù vậy, hiện những linh phụ kiện quan trọng của sản phẩm hiện vẫn chưa được sản xuất tại Việt Nam mà vẫn phải nhập từ Malaysia, Indonesia. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến mong muốn mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. 

Hiện nay, mong muốn của doanh nghiệp Nhật Bản về thu mua tại Việt Nam cũng như mong muốn của Việt Nam là tăng tỷ lệ nội địa hóa, tự chủ nguyên vật liệu sản xuất. Như vậy, với cùng chung một mục tiêu, đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên thúc đẩy hợp tác, cùng phát triển.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng Văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội cho rằng, quy hoạch phát triển một số lĩnh vực công nghiệp hiện vẫn còn phân tán, chưa có tính tổng thể để doanh nghiệp có định hướng đầu tư rõ ràng, cụ thể. Do đó, Việt Nam cần có chính sách, quy hoạch phát triển ngành mang tính đồng bộ, có hệ thống hơn, trong đó chú trọng tới chính sách thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp. 

Chú thích ảnh

Thép cuộn sử dụng cho các công trình xây dựng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Hình thành trung tâm hỗ trợ

Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức cho biết đạt mốc sản xuất 9 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC). Việc làm chủ công nghệ sản xuất thép cuộn cán nóng, Hòa Phát hiện là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được sản phẩm thép công nghiệp quan trọng này.

Theo ông Mai Văn Hà - Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, sản phẩm HRC của Hòa Phát đa dạng về chủng loại. Sản phẩm đáp ứng hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe của Việt Nam và thế giới như: JIS, MS, BS EN... Giữa năm 2023, Thép Hòa Phát Dung Quất đã đăng ký và được cấp chứng nhận CE Marking cho các sản phẩm thép HRC S235JR, S275JR, S355JR, ứng dụng để sản xuất kết cấu thép. Đây được coi là “giấy thông hành” khi xuất sang châu Âu, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và kênh tiêu thụ.

Chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa cho hay, việc tự chủ sản xuất thép cuộn HRC là sản phẩm nền tảng, nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất công nghệ cao khác như sản xuất ô tô, đóng tàu, công nghiệp cơ khí chế tạo, đồ gia dụng, kết cấu thép, tôn mạ, ống thép, vỏ container...

Các chuyên gia cho rằng, để có thêm nhiều doanh nghiệp như Hòa Phát, sản xuất nguyên vật liệu quan trọng, tự chủ và phục vụ công nghiệp trong nước, cần có những khu, cụm công nghiệp mang tính hỗ trợ; từ đó nâng cao trình độ quản lý, công nghệ sản xuất và giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Cục này đang đẩy nhanh xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Nam. Hai trung tâm này đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ và khuyến khích các địa phương xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp tại các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp.

Hiện nay, 2 trung tâm này đang kiện toàn bộ máy tổ chức và đã có các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ cải tiến, kết nối doanh nghiệp ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giầy; hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế IATF 16949, CE/UL. Các trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.

Bên cạnh đó, các trung tâm hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ...

Lãnh đạo Cục Công nghiệp chia sẻ, cục cũng đang tập trung hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghiệp cũng như phối hợp với các địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư FDI và xúc tiến kết nối phát triển công nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ xây dựng, công bố, khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và hệ thống doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam.

Theo TTXVN