Tạo động lực phát triển mới cho các vùng kinh tế quan trọng

28/10/2021 - 08:27

Ngày 27-10, Quốc hội thảo luận các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; thảo luận về tình hình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế…

Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ với các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: DUY LINH

Việc ban hành cơ chế đặc thù là cần thiết

Cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; nhiều đại biểu nhấn mạnh, đây là những địa phương có nhiều thuận lợi và dư địa cho phát triển, nhưng các quy định của hệ thống pháp luật hiện nay chưa thật sự thông thoáng để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động bứt phá.

Việc ban hành các nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển là cần thiết, nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị trong việc tạo cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp vốn, nhanh chóng phát huy lợi thế sẵn có để thực hiện mục tiêu đưa bốn tỉnh, thành phố phát triển nhanh, bền vững. Từ đó, có tác động lan tỏa sâu rộng ra các địa phương, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế vùng và liên kết vùng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hiện nay có nhiều chính sách áp dụng thí điểm tại một số địa phương, cho nên, trước khi Quốc hội thông qua, cần tổng kết những mặt được, chưa được, làm căn cứ ban hành các nghị quyết để áp dụng tại bốn địa phương nêu trên và mở rộng áp dụng cho các địa phương khác, bảo đảm tính đại diện và liên kết vùng miền.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Ðồng Tháp) cho rằng, mỗi tỉnh trong cả nước đều có đặc điểm riêng và đều có thể áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, cho nên, thay vì áp dụng cơ chế riêng lẻ cho mỗi tỉnh, thành phố, nên ban hành nghị quyết vùng và liên kết vùng sẽ phù hợp hơn.

Việc áp dụng 11 nhóm chính sách đặc thù như Chính phủ trình là cần thiết, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) và nhiều đại biểu cho rằng, đối với từng chính sách cần đánh giá sâu sắc, toàn diện các nội dung liên quan việc nâng thêm trần nợ vay, bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu và việc quản lý đất đai, phân cấp quản lý cho địa phương chuyển đổi đất rừng, đất lúa... Hiện nay, Quốc hội đang tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, trong đó, có nội dung đánh giá về điều chỉnh quy hoạch. Vì vậy, đề nghị Chính phủ hướng dẫn tổ chức thực hiện cơ chế chính sách đặc thù về điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với bốn tỉnh, thành phố, bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Về lâu dài, cần nghiên cứu toàn diện để có những đột phá, sáng tạo trong chính sách về đầu tư, tổ chức bộ máy, biên chế, ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính...

Ðể triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc thực hiện. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương. Chỉ đạo các bộ, ngành làm việc cụ thể với các tỉnh, thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thành ủy, tỉnh ủy, HÐND và UBND bốn tỉnh, thành phố phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nhanh chóng ban hành các văn bản để triển khai thực hiện và chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng để huy động nguồn lực làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Ðối với việc thành lập khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng, một số đại biểu cho rằng, đây là mô hình mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, có nhiều yếu tố phức tạp, không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở góc độ quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, phải có sự nghiên cứu tổng thể, sâu sắc về mô hình quản lý cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho khu thương mại tự do, không chỉ riêng cho TP Hải Phòng mà còn có thể nghiên cứu để áp dụng ở các địa phương khác.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Chính sách bảo hiểm xã hội đã phát huy vai trò là trụ cột an sinh xã hội

Thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2020, các đại biểu Quốc hội  đồng tình với Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội trình tại kỳ họp. Việc Quốc hội đưa vào Chương trình kỳ họp nội dung nêu trên là dịp rất tốt để người dân hiểu rõ hơn về vai trò của Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế - những trụ cột an sinh xã hội chính của nước ta, là lưới an sinh cơ bản trong bảo đảm quyền công dân, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 xảy ra càng thấy rõ vai trò giảm thiểu rủi ro thông qua chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Các đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam), Ðặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời, chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có những chính sách liên quan trực tiếp đến Bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng, giãn thời gian đóng một số chế độ bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, Bảo hiểm thất nghiệp..., hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020...  Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt mục tiêu đề ra là thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay. Ðòi hỏi phải có sự vào cuộc của Chính phủ và chính quyền các cấp. Các báo cáo cần đưa ra các nguyên nhân và giải pháp cụ thể để phát triển đối tượng bảo đảm điều kiện thực tế.

Ðại biểu Nguyễn Duy Minh (Ðà Nẵng) đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp; đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan có biện pháp mạnh hơn, nghiêm khắc hơn trong thi hành Luật Bảo hiểm xã hội. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người sử dụng lao động chấp hành quy định của pháp luật, người lao động thấy được quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Một số đại biểu Quốc hội nêu vấn đề cần quan tâm và đáng lo ngại về tình trạng số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển Bảo hiểm xã hội. Việc hưởng Bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu thực tế của người lao động, đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Trong khi, Bảo hiểm xã hội như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động khi hết tuổi lao động. Từ thực trạng quy định hiện hành của pháp luật về chính sách hưởng Bảo hiểm xã hội một lần; các hệ lụy, bất cập về mục tiêu an sinh xã hội, về tổ chức thực hiện, các đại biểu đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng Bảo hiểm xã hội một lần theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội đã đề ra.

Ðồng thời, các đại biểu cũng đề xuất cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28, thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống Bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ Bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ...

Theo Nhân Dân