Tạo hành lang pháp lý cho đầu tư công

18/11/2024 - 07:40

 - Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, việc làm này phải nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công; phù hợp chức năng, nhiệm vụ, khả năng, điều kiện thực hiện và đảm bảo tính giám sát, kiểm soát quyền lực.

Dự án đầu tư công cần được tạo hành lang pháp lý rộng mở nhưng chặt chẽ

Luật Đầu tư công hiện hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, mang đến bước tiến lớn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, tạo điều kiện đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, luật bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc, cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi.

Thảo luận sâu về dự án luật trước khi xem xét thông qua, ĐBQH kỳ vọng luật sẽ thật sự giải phóng nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thành hàng loạt mục tiêu, dự án lớn tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam. Đó là đạt 5.000km đường cao tốc đến năm 2030, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam... Luật cần được thông qua tại kỳ họp thứ 8, kịp thời có hiệu lực khi bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn. Vấn đề vướng mắc nhất là thời gian thực hiện dự án. Hiện nay, các dự án đầu tư công được điều chỉnh bởi ít nhất là 9 luật (Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Giá, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên môi trường…) nên việc phối hợp xin ý kiến, thẩm tra, thẩm định kéo dài. Quá trình chuẩn bị đầu tư mất gần 2 năm, nhưng đến khi thực hiện thì bị trượt giá, phải làm thủ tục điều chỉnh, khiến thời gian thực hiện dự án còn lại không nhiều. Dù quy định mới dự án thuộc nhóm A là 6 năm, nhóm B là 4 năm cũng rất khó để hoàn thành.

“Vấn đề thứ 2 là về quy hoạch và giải phóng mặt bằng. Có thể nói, đây là “nỗi ám ảnh” của chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng khi thực hiện dự án đầu tư công, bởi tính chất phức tạp, nhiều thủ tục, kéo dài, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Phải tiến hành xác định nguồn gốc đất, xác định giá, phương án bồi thường, di dời, tái định cư... Mà tất cả đều phải đạt được sự đồng thuận chung của cộng đồng, nên dự án có giải phóng mặt bằng đều chậm, đôi khi kéo dài quá thời gian, làm cho việc giải ngân gặp rất nhiều khó khăn vẫn không đạt yêu cầu. Vấn đề thứ ba, một số dự án tại địa phương có quy mô cấp I, tính chất cải tạo hoặc quy mô xây dựng nhỏ, tổng mức đầu tư thuộc nhóm C. Việc tổ chức kiểm tra nghiệm thu lại thuộc thẩm quyền Bộ Xây dựng, nên thời gian thực hiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao, quyết toán dự án” - ĐBQH Trình Lam Sinh chỉ ra.

Các nhóm chính sách mà dự thảo luật quy định nhận được sự đồng thuận cao từ ĐBQH, thể hiện tính phân cấp rất mạnh mẽ, tăng tính chủ động cho địa phương, tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho UBND các cấp, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Đặc biệt là các quy định: Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; giao UBND các cấp phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; nhóm B và nhóm C do địa phương quản lý; phân cấp thẩm chủ tịch UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất; cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án… Việc tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi xây lắp, trở thành dự án độc lập sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện, hoàn thành của dự án đầu tư công. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vì được bố trí nguồn vốn và có quy trình, thủ tục riêng để thực hiện.

Để có giải pháp đồng bộ khi triển khai thực hiện, ĐBQH Trình Lam Sinh đề xuất một số vấn đề, như: Cần quy định chi tiết trong dự thảo luật trình tự, thủ tục tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, nhằm tránh việc lợi dụng để thực hiện sai mục đích dự án; quy định định mức kinh tế kỹ thuật cho chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án và thời gian bố trí vốn đầu tư công đối với dự án bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan (thiên tai, giải phóng mặt bằng phức tạp…). Ngoài ra, đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu phân cấp công tác thẩm định dự án nhóm A, công tác kiểm tra, nghiệm thu đối với công trình cấp I cho cơ quan chuyên môn ở địa phương có dự án, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 5 nhóm vấn đề lớn, hướng đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

 GIA KHÁNH