Tập thói quen quét mã QR

09/11/2021 - 06:18

 - Là một nội dung trong thông điệp “5K”, việc khai báo y tế đã trở nên quen thuộc với mọi người, sau nhiều tháng thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19. Ngoài tờ khai bằng giấy, người dân có thể khai báo y tế bằng QR-Code trong quá trình đi và đến (hay còn gọi là “check-in/check-out” y tế bằng QR-Code) tại từng địa điểm. Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau, chưa nhiều người dân hình thành thói quen quét QR-Code này.

Người dân quét mã QR tại chốt kiểm soát Vàm Cống

Theo Bộ Y tế, tất cả địa điểm công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở lưu trú, nhà hàng… đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR. Việc khai báo y tế bằng QR-Code giúp các địa phương giám sát người dân khi đến và đi trong địa bàn tỉnh, trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị. Người dân phải quét mã QR thông qua các phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh, như: “Vietnam Health Declaration”, “Bluezone”, “Ncovi”… (từ tháng 11-2021 tích hợp lại trên ứng dụng “PC-Covid”) trên điện thoại di động thông minh. Từ đó, phục vụ công tác phân tích, truy vết khi cần thiết, hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Việc quét mã QR khai báo y tế bằng điện thoại thông minh còn có nhiều ưu điểm: nhanh chóng, thuận tiện, chính xác hơn rất nhiều so với khai báo y tế bằng văn bản. “Ngoài việc tiết kiệm thời gian, quét mã QR còn giúp tôi ghi nhớ lịch trình di chuyển của bản thân trên ứng dụng. Nếu rơi vào tình huống trở thành F0, F1, những lần quét mã này giúp cơ quan quản lý lưu trữ thông tin kịp thời, chính xác và nhanh chóng truy vết lịch trình di chuyển của người kê khai trên hệ thống.

Điển hình, cơ quan chức năng thông báo tìm người đã từng đến siêu thị M. trong khung giờ cụ thể. Tôi chỉ nhớ vài ngày trước mình từng đi siêu thị đó, nhưng không nhớ thời gian. Xem lại lịch sử quét mã, tôi biết chính xác mình có mặt tại siêu thị ngoài khung giờ truy vết, nên rất an tâm. Chính vì vậy, tôi hình thành thói quen “check-in” mọi lúc, mọi nơi đến, nếu ở đó có mã QR” - anh Hiếu (công chức một cơ quan cấp tỉnh) chia sẻ.

Thấy được ưu điểm của việc quét mã QR, nhiều tháng trước, anh Hiếu tự tạo mã QR cho cơ sở kinh doanh của gia đình. Bất kỳ khách nào ghé quán, anh đều nhắc họ “check-in”. Lúc đầu, có người tỏ ý không hài lòng, hoặc cho biết “chưa cài đặt ứng dụng”. Anh Hiếu nhiệt tình hướng dẫn họ cài đặt và giải thích ưu điểm của việc quét mã. Dịch bệnh ngày càng phức tạp, thường xuyên xuất hiện F0 ở chợ, địa điểm ăn uống, cơ sở dịch vụ… nên quét mã QR là cách tối ưu nhất khoanh vùng người đã từng có mặt, xác định bản thân có trở thành F1, F2 hay không để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp. Nếu tất cả cơ sở kinh doanh, dịch vụ đều ý thức tầm quan trọng của việc quét mã QR như anh Hiếu, thay đổi tư duy “làm chi cho phiền phức” thành “dự phòng mọi tình huống xảy ra” sẽ góp phần rất lớn vào thành công chung của công tác kiểm soát dịch bệnh của địa phương.

Dẫu biết là thế, nhưng tâm lý chủ quan, “ngại”, “lười” khiến một bộ phận người dân (kể cả cán bộ, công chức nhà nước) chưa hình thành thói quen tích cực quét mã QR khai báo y tế tại tất cả địa điểm mình đến. “Công việc buộc tôi phải di chuyển thường xuyên, tiếp xúc nhiều người. Có khi tôi dự định ghé qua địa điểm đó một chút thôi, không nhớ hoặc không có thời gian “check-in”, rồi lại đi nơi khác. Nếu được bảo vệ, nhân viên ở đó yêu cầu “check-in” thì tôi mới chịu khó làm. Một phần, tôi có tâm lý chủ quan vì đã được xét nghiệm âm tính, phần vì  thấy không cần thiết, không lẽ xui đến mức đi đâu cũng gặp F0! Từ khi vài đồng nghiệp của tôi bị nhiễm bệnh không rõ nguồn lây, công tác truy vết rất vất vả, tôi nghĩ mình cần rút kinh nghiệm, chú ý hơn vấn đề này” - anh Trần Văn Mẫn (người dân huyện Châu Phú) chia sẻ.

Ngày 7-11, ứng dụng “PC-Covid” có bản cập nhật, cho phép quét mã QR không cần kết nối Internet. Thay vì cần có wifi hoặc 3G để truy cập và quét mã QR, người dùng vẫn được ứng dụng ghi nhận “Kiểm tra thành công” và hiển thị biểu tượng “đang gửi thông tin” ngay cả khi không kết nối mạng. Dữ liệu sẽ được cập nhật lên hệ thống khi máy có kết nối Internet trở lại. Như vậy, việc quét mã QR sẽ được thuận tiện hơn, không còn vấp phải trở ngại “điện thoại không kết nối Internet”.

Để hình thành thói quen, mỗi người mất trung bình 2 tháng. Thế nhưng, dịch bệnh COVID-19 sẽ chẳng cho chúng ta giây phút nào bình yên, nếu không chủ động phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đặt lên hàng đầu là “thích ứng linh hoạt, an toàn”. Vậy thì, chúng ta càng phải nhanh chóng tạo ra thói quen quét mã QR khai báo y tế càng sớm càng tốt, để kịp thời thích ứng với tình hình mới. Nếu đủ quyết tâm, động lực bảo vệ bản thân và cộng đồng, chẳng có gì là rắc rối, phiền phức cả!

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định 2590/QĐ-UBND, ngày 6-11-2021 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó đề nghị thực hiện nghiêm “5K”, luôn sử dụng mã QR để khai báo y tế khi tham gia hoạt công sở, xã hội, đặc biệt khi đi đến nơi tập trung đông người (như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…). Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân quản lý thông tin người vào/ra địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, địa điểm sản xuất - kinh doanh, sự kiện đông người bằng mã QR; sử dụng mã QR theo quy định của chính quyền và cơ quan y tế.

 

Bài, ảnh: VẠN LỘC

 

Liên kết hữu ích