Tập trung cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024

27/11/2023 - 18:16

 - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Cải cách tiền lương là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Khái quát những kết quả đạt được trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả đạt được, ước tính cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. “Nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta” - Thủ tướng nói.

Chính phủ nhìn nhận, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. “Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả, triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới” - Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ thông tin, giá trị thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc, lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Đề cập đến nhiệm vụ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công từ ngày 1/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin, từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất từ bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp (DN). Cùng với đó tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực DN theo quy định. Theo Thủ tướng, nhờ thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương, đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm (2024 - 2026).

Một nhiệm vụ quan trọng khác cũng được Thủ tướng đặt ra là đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy tự chủ cao hơn nữa.

Liên quan đến phương án cải cách chính sách tiền lương ở khu vực công, Chính phủ đề xuất từ ngày 1/7/2024, triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo theo Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã đề ra. Đó là, quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực DN; mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản (70%) và phụ cấp (30%); bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản.

Giai đoạn sau năm 2024, Chính phủ đề nghị tiếp tục điều chỉnh các mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP. Việc điều chỉnh được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực DN như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã xây dựng 6 nội dung của chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 27-NQ/TW. Theo đó, quy định cụ thể 5 bảng lương mới, gồm: 1 bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Các chế độ phụ cấp được xác định có 9 loại. Chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản. Chế độ nâng bậc lương gồm quy định chế độ nâng lương thường xuyên và kéo dài thời gian nâng lương, bỏ chế độ nâng bậc lương trước thời hạn.

Từ những dự toán nói trên, Chính phủ yêu cầu từ năm 2025, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm cho đến khi mức lương thấp nhất từ bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực DN.

N.R