Tập trung giải ngân, tạo động lực tăng trưởng cho An Giang

09/03/2023 - 06:15

 - Năm 2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của An Giang là 8.123,65 tỷ đồng, tăng gần 1.372,5 tỷ đồng so năm 2022. Tổng vốn đầu tư lớn, áp lực giải ngân nặng nề hơn, nhưng nếu thực hiện tốt, sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Hội nghị tổng kết giải ngân đầu tư công. Ảnh: N.C

Nỗ lực vượt khó

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang Phạm Minh Tâm cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao gần 6.752,2 tỷ đồng (gồm 1.271,2 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022). Tính đến ngày 31/1/2023 (kết thúc kỳ đầu tư công năm 2022), lũy kế giải ngân vốn hơn 5.740,7 tỷ đồng, đạt 85,02% tổng kế hoạch đầu tư công. Nếu không tính vốn thu tiền sử dụng đất do cấp huyện thực hiện tăng thêm so kế hoạch được giao (tăng gần 166,9 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 82,55% (đây được tính là tỷ lệ giải ngân bình quân chung của tỉnh). Qua thống kê, có 26 chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh (82,55%); 16 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, kết quả giải ngân là nỗ lực đáng ghi nhận. “Việc triển khai đầu tư công năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn, hơn 75% dự án khởi công mới, đòi hỏi nhiều hồ sơ, thủ tục. Những tháng đầu năm, tỉnh có lúc kỳ vọng đạt tỷ lệ giải ngân từ 75 - 80%, nhưng nhờ nỗ lực chung, tỷ lệ giải ngân năm 2022 đạt 82,55%, cao hơn tỷ lệ năm 2021, giá trị tuyệt đối cũng cao hơn (gần 1.800 tỷ đồng). Khối huyện, thị xã, thành phố đạt tỷ lệ giải ngân 92%; nhiều đơn vị có khối lượng vốn lớn cũng nỗ lực giải ngân rất tốt”- ông Phước đánh giá.

Có biểu dương, có phê bình

Tại Hội nghị tổng kết giải ngân đầu tư công năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước biểu dương 26 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh; đề nghị 16 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân rút kinh nghiệm sâu sắc, làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm và đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả.

"Việc biểu dương, khen thưởng cũng như phê bình cần được thực hiện nghiêm túc hơn nữa, xem đây tiêu chí đánh giá thi đua để các địa phương, đơn vị thể hiện tinh thần trách nhiệm cao”- ông Lê Văn Phước lưu ý.

TX. Tân Châu là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh (đạt 87,28%). Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ cho rằng, kết quả này có được nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các sở, ngành.

“Nếu công tác phối hợp được thực hiện tốt hơn, tôi tin kết quả giải ngân năm 2023 sẽ tốt hơn. Ví dụ như khi gửi văn bản xin ý kiến, các sở, ngành nên thẩm định 1 lần trên nhiều nội dung; sở nào có ý kiến đề nghị chỉnh sửa thì sau khi bổ sung, chỉ gửi cho sở đó, không cần gửi hết cho những sở đã thống nhất để xin ý kiến lại, rất mất thời gian. Có những thủ tục nên lược bớt để phù hợp thực tế. Ví dụ như chỉ cải tạo có 1 phòng học nhưng phải bổ sung thang phòng cháy, chữa cháy, vừa phát sinh thêm chi phí, vừa tốn thời gian chỉnh sửa hồ sơ, thủ tục; xây 1 nhà vệ sinh nhưng yêu cầu phải có kết quả khảo sát địa chất…” - ông Vệ kiến nghị.

Khen thưởng các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao

Gỡ vướng về mặt bằng

Năm 2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của An Giang là 8.123,65 tỷ đồng (bao gồm gần 475,4 tỷ đồng vốn kéo dài năm 2022 sang), tăng gần 1.372,5 tỷ đồng so năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, tổng vốn đầu tư năm 2023 lớn hơn, áp lực nặng nề hơn, đòi hỏi các chủ đầu tư phải khẩn trương triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm, đặc biệt là xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ từng dự án, báo cáo tiến độ hàng tháng để có phương án xử lý, giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Một trong những nỗi lo trong triển khai các dự án đầu tư công là vướng giải phóng mặt bằng. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang Trần Minh Đức cho rằng, để hạn chế vướng mắc này, cần thành lập hội đồng thẩm định ngay từ khâu xác định nguồn gốc đất, thẩm định giá đất, chuẩn bị phương án tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng chỗ ở…

“Việc hội đồng thẩm định tham gia ngay từ đầu sẽ bớt mất thời gian, quy trình giải phóng mặt bằng so với chỉ giao nhiệm vụ xác định nguồn gốc đất cho cán bộ địa chính cấp xã. Đối với hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy cho các công trình, dự án, thường bị trả lại để bổ sung, rất tốn thời gian. Tôi đề nghị đơn vị quản lý về phòng cháy, chữa cháy tham gia cho ý kiến ngay từ bước cơ sở lập dự án, tránh phải làm lại hồ sơ ở giai đoạn thẩm duyệt”- ông Đức kiến nghị.

Ông Đức cũng cho rằng, để giảm bớt thủ tục hành chính, trước khi trình UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, các sở, ngành chuyên môn nên góp ý trước về quy mô dự án, các nội dung cần điều chỉnh trong hồ sơ, đảm bảo về nội dung và không phải đi nhiều vòng.

“Về năng lực nhà thầu, nên công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, giúp chủ đầu tư đánh giá đúng năng lực nhà thầu, tránh rủi ro khi chọn sai nhà thầu. Đối với các dự án sử dụng thiết bị chuyên dùng, đơn vị chủ quản chuyên môn cần dự trù trước khi đưa vào danh mục dự án, tránh vướng thủ tục, mất rất nhiều thời gian ở giai đoạn thẩm định, triển khai”- ông Đức đề nghị thêm.

Ý kiến của Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang được nhiều sở, ngành, địa phương đồng tình, bởi đây cũng là những vướng mắc chung, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ các dự án trong thời gian qua. Nếu có sự phối hợp nhịp nhàng, tháo gỡ kịp thời những quy trình thủ tục không cần thiết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2023 sẽ đạt như kỳ vọng.

Tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của An Giang là 8.123,65 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh quản lý 237 dự án, tổng vốn 6.243,65 tỷ đồng; vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia gần 587,6 tỷ đồng; cấp huyện quản lý hơn 733,7 tỷ đồng; nguồn vốn khác và bố trí chi khác (trả nợ vay, thanh toán công nợ) hơn 558,9 tỷ đồng.

NGÔ CHUẨN