Tên lửa Atlas V của United Launch Alliance mang theo tàu vũ trụ Lucy cất cánh từ bãi phóng thuộc Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ ngày 16-10-2021. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, tàu vũ trụ của NASA mang tên Lucy đã lao vút lên bầu trời từ bãi phóng ở Mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ, vào lúc 5h43 phút sáng theo giờ Bờ Đông Mỹ, bắt đầu sứ mạng kéo dài 12 năm khám phá tám tiểu hành tinh trong hệ Mặt trời.
Chỉ chưa đầy hai giờ sau khi phóng, NASA xác nhận các tấm năng lượng mặt trời của Lucy đã được triển khai và tàu đã gọi điện thành công về căn cứ.
Bảy trong số những tiểu hành tinh bí ẩn này nằm trong số các tiểu hành tinh chia sẻ quỹ đạo của Sao Mộc, được cho là phần còn lại nguyên sơ của quá trình hình thành hành tinh. Nhóm tiểu hành tinh này đại diện cho những vùng chưa được khám phá cuối cùng của các tiểu hành tinh trong hệ Mặt trời. Và Lucy, đóng vai một robot khảo cổ học, sẽ giúp trả lời các câu hỏi về cách các hành tinh khổng lồ hình thành.
AP cho biết quả tên lửa khổng lồ Atlas V đã đẩy phi thuyền Lucy bước vào hành trình dài 6,3 tỷ km. Các nhà nghiên cứu NASA đã xúc động khi mô tả vụ phóng thành công. Nhà khoa học trưởng Hal Levison cho biết ông theo dõi sự kiện này giống như chứng kiến sự ra đời của một đứa trẻ. "Đi đi Lucy!", ông Levison thúc giục.
Tàu vũ trụ Lucy cũng mang theo một chiếc đĩa làm bằng kim cương được phát triển trong phòng thí nghiệm như một trong những dụng cụ khoa học của nó.
Theo trang Space.com, tàu Lucy sẽ trải qua 6 năm tới để bay qua hệ Mặt trời, vòng quanh Trái đất hai lần giúp tạo đủ động lực để đến được sao Mộc. Tàu vũ trụ sẽ bay qua tổng cộng 8 tiểu hành tinh khác nhau (gồm 7 Trojan) để giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách hệ Mặt trời phát triển. Các nhà nghiên cứu tin rằng Trojan là những viên nang thời gian vũ trụ được bảo quản hoàn hảo và hy vọng rằng việc nghiên cứu chúng có thể làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc của hệ Mặt trời và cách các hành tinh khổng lồ hình thành.
Tên lửa Atlas V đưa tàu Lucy vút lên không gian ngày 16-10-2021. Ảnh: AP
Được cho là những mảnh vỡ của hệ Mặt trời sơ khai, các Trojan bị khóa bởi lực hấp dẫn trong các quỹ đạo ổn định ở cùng khoảng cách từ Mặt trời với sao Mộc. Với sự trợ giúp của một bộ công cụ khoa học, tàu Lucy sẽ nghiên cứu địa chất, thành phần, mật độ và cấu trúc của từng mục tiêu Trojan mà nó được lập trình khám phá.Cho đến nay, các cơ quan không gian trên khắp thế giới đã khám phá nhiều thiên thể nhỏ từ vành đai tiểu hành tinh đến các tiểu hành tinh gần Trái đất (qua các sứ mệnh Hayabusa của Nhật Bản và OSIRIS-REx của NASA) hay vùng băng giá của vành đai Kuiper.
Nhưng có một khu vực vẫn chưa được khám phá: đó là “bầy” thiên thạch Trojan tràn quanh Sao Mộc. Khoảng 10.000 vật thể đã được phát hiện ở hai khu vực này có đường kính từ vài km đến hàng trăm km.
Phi thuyền Lucy được theo tên bộ xương hoá thạch 3,2 triệu năm tuổi của tổ tiên loài người được tìm thấy ở Ethiopia gần nửa thế kỷ trước. Khám phá khảo cổ đó được đặt tên từ bài hát “Lucy in the Sky with Diamonds” (Lucy trên bầu trời với những viên kim cương) của ban nhạc The Beatle vào năm 1967.
Vào năm 2025, Lucy sẽ đạt được mục tiêu đầu tiên: một tiểu hành tinh nhỏ trong vành đai chính giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, có tên là Johanson (Tiểu hành tinh 52246 Donaldjohanson). Con tàu sẽ kiểm tra các cảm biến của nó trên tiểu hành tinh như một cuộc chạy thử nghiệm trước khi thực hiện sứ mệnh chính là bay tới bảy tiểu hành tinh Trojan.
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)