Tết Chol Chnam Thmay vui tươi, hạnh phúc

14/04/2024 - 17:45

 - Năm nay, Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer diễn ra từ ngày 13 - 16/4. Dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh An Giang cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều đoàn đến thăm, chúc Tết, chia sẻ niềm vui với đồng bào tại 66 chùa Nam tông Khmer trong toàn tỉnh; tặng quà, động viên bà con Khmer nghèo, hoàn cảnh khó khăn; quan tâm nâng cao đời sống để đồng bào đón Tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc.

“Kiến trúc sư ” chùa Tà Pạ

Trong số 66 chùa Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh, có 1 chùa ở huyện Thoại Sơn (chùa Kal Bô Prưk, thị trấn Óc Eo), 1 chùa ở huyện Châu Phú (chùa Phú Đà Châu, xã Bình Mỹ), 3 chùa ở huyện Châu Thành (chùa Se Rey Meang Kol Sa Kor, xã Vĩnh Thành; chùa Pres Stưng, xã Cần Đăng; chùa Chắc Sđao, xã Hòa Bình Thạnh), còn lại tập trung chủ yếu ở huyện Tri Tôn (37 chùa) và TX. Tịnh Biên (24 chùa).

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang trao đổi với hòa thượng Chau Sưng (trụ trì chùa Phnom Tà Pạ)

Chùa Khmer vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, vừa địa điểm dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc, nơi bà con Khmer sinh hoạt văn hóa truyền thống. Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết quan trọng, như: Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta... phật tử Khmer thường tập trung vào chùa lễ Phật, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, gặp gỡ, trò chuyện cùng nhau.

Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2024, từ tỉnh đến cấp huyện, xã đều tổ chức nhiều đoàn đến thăm, chúc Tết, tặng quà các chùa Khmer - cầu nối trong tuyên truyền, vận động phật tử Khmer sống “tốt đời, đẹp đạo”, chăm lo lao động, sản xuất, xây dựng phum, sóc Khmer phát triển, đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đoàn công tác tỉnh chụp ảnh lưu niệm với hòa thượng Chau Sưng, "kiến trúc sư" của chùa Phnom Tà Pạ

Trong số các ngôi chùa Khmer ở An Giang, Phnom Tà Pạ (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) là một trong những ngôi chùa cổ, tọa lạc vị trí đẹp trên đồi Tà Pạ, gần hồ Tà Pạ thơ mộng (được mệnh danh là “tuyệt tình cốc” vùng Bảy Núi). Tà Pạ là tên của sư lục đầu tiên sáng lập chùa (dấu tích ghi lại trong chánh điện vào năm Phật lịch 2401 - dương lịch 1857).

Trụ trì chùa Phnom Tà Pạ từ ngày 21/1/1974 đến nay, hòa thượng Chau Sưng (Ủy viên Ban Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tri Tôn) là “kiến trúc sư”, giúp ngôi chùa khang trang như bây giờ. Hòa thượng Chau Sưng là người trực tiếp thiết kế, vận động phật tử đóng góp công sức, tiền của, nguyên vật liệu để xây dựng ngôi chùa rộng, đẹp, thoáng đãng, làm nơi sinh hoạt lý tưởng cho đồng bào DTTS Khmer trong vùng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, vãng cảnh.

“Trong quá trình trùng tu, sửa chữa chùa, chính quyền địa phương luôn nhiệt tình hỗ trợ. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống đồng bào DTTS Khmer, bà con có điều kiện vươn lên thoát nghèo, đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay vui vẻ, ấm cúng hơn” - hòa thượng Chau Sưng nhấn mạnh.

Nghĩa tình vùng núi

Tại vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên), nơi tập trung phần lớn đồng bào DTTS Khmer, bên cạnh các chương trình, chính sách dân tộc, nhiều nguồn lực được tập trung đầu tư nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình sinh kế.

Đặc biệt, các địa phương đang tập trung triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi), từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn phum, sóc, các tuyến đường giao thông được bê-tông và gắn đèn thắp sáng, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, thu hút khách du lịch.

Vùng Bảy Núi từng là chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chịu nhiều mất mát, hy sinh. Do vậy, vào các dịp lễ, Tết, các tổ chức, nhà hảo tâm trở lại đây, trao tận tay những phần quà cho hộ Khmer nghèo, khó khăn, như một cách tri ân cho đóng góp của vùng đất này.

Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia tặng quà Tết cho người dân Khmer huyện Tri Tôn

Trước khi trở thành tỷ phú thành đạt trên đất nước Campuchia, ông Oknha Leng Rithy là một người con của quê hương An Giang. Giờ đây, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia (VCBA), ông Oknha Leng Rithy thường xuyên vận động nguồn lực đóng góp để quay lại giúp đỡ đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi.

Mới đây, VCBA phối hợp Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tổ chức trao tặng 500 phần quà cho đồng bào DTTS Khmer tại huyện Tri Tôn, nhân Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2024, tổng trị giá 300 triệu đồng. “Của ít lòng nhiều, chúng tôi chỉ muốn góp một chút nghĩa tình cho vùng đất còn nhiều khó khăn này” - Chủ tịch VCBA Oknha Leng Rithy và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn Huỳnh Văn Thòn cùng bày tỏ tâm tình.

Đồng hành cùng phát triển

Đối với đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi, hòa thượng Chau Ty (Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam) được xem là linh hồn trong việc lưu trữ và truyền dạy kỹ thuật khắc chữ Khmer trên kinh lá buông. Ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân năm 2019; còn ngôi chùa Soài So Tôm Nớp (xã Núi Tô), nơi hòa thượng Chau Ty trụ trì, trở thành nơi dạy chữ Khmer cũng như kỹ thuật khắc chữ Khmer trên kinh lá buông độc đáo.

Bà con Khmer đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay ấm áp

Nhân Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2024, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đã dẫn đầu đoàn công tác Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đến thăm, chúc Tết tại chùa Soài So Tôm Nớp và cá nhân hòa thượng Chau Ty.

Vui mừng báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng năm 2023 và quý I/2024, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh, kết quả này có được từ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong đó có đồng bào DTTS Khmer trên địa bàn tỉnh. Với truyền thống đoàn kết, siêng năng lao động sản xuất, thông qua cầu nối tuyên truyền, vận động của hòa thượng Chau Ty và chùa Khmer, lãnh đạo tỉnh tin tưởng rằng, đồng bào DTTS Khmer sẽ tiếp tục có đóng góp tích cực, cùng tỉnh hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, xây dựng nông thôn mới trong phum, sóc ngày càng khang trang, sạch đẹp.

NGÔ CHUẨN