Tết nổi trên sông

01/02/2022 - 06:51

 - Hòa trong không khí tất bật của ngày xuân, những người đã gắn đời mình cùng chợ nổi cũng hối hả với cuộc mưu sinh trong những ngày giáp Tết. Với những thương hồ quen phiêu bạt, việc đón Tết trên sông trở thành một phần của cuộc sống và chứa đựng tâm tình, cảm xúc rất riêng.

Những ngày hối hả

Cũng như trên cạn, chợ nổi những ngày cận Tết tấp nập thuyền xuôi ghe ngược. Những năm trước, hoạt động của bạn hàng đã “xôm tụ” hẳn lên từ đầu tháng Chạp, với nông sản, trái cây từ các tỉnh đổ về. Khi đó, không khí mua bán trên ghe, dưới xuồng ồn ào, tất bật, phảng phất chất dân dã đặc thù sông nước miền Tây.

Đến cắm sào ở chợ nổi Long Xuyên đã 12 mùa Tết, chị Nguyễn Thị Mỹ Xuyên (bạn hàng từ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cảm nhận rất rõ nét đặc thù của chợ nổi dịp cuối năm. “Hồi chưa có dịch COVID-19, chuyện mua bán ở chợ nổi nhộn nhịp lắm, nhất là bước sang đầu tháng Chạp. Khi đó, cứ 3-4 ngày tui phải về quê một chuyến, bởi bạn hàng đã ra ghe đếm dừa bán lại nhiều hơn. Với lại, thời điểm đó giá dừa “nhích” lên khoảng 100.000-120.000 đồng/chục, chứ không còn 80.000-90.000 đồng/chục như trước đó, đây là vụ mua bán mạnh nhất trong năm của dân đi ghe” - chị Xuyên vui vẻ.

Trong câu chuyện của nữ thương hồ đất “sóc sờ bai” này, chợ nổi Long Xuyên những ngày tháng Chạp đã “thức dậy” khi gà chưa gáy sáng. Người mua, người bán tranh nhau nói. Không khí mua bán tấp nập cho đến khi ánh nắng bình minh ngã dài trên sông Hậu, soi rõ từng gương mặt nhễ nhại mồ hôi. Những trái dưa hấu, những củ khoai ngọt đất Long An, rồi trái bí miệt Vĩnh Long đến trái khóm xứ Kiên Giang… lần lượt từ ghe xuống đò để tỏa lên các chợ trên bờ. Bởi thương hồ là dân tứ xứ nên nông sản cũng “gắn mác” nhiều vùng.

“Lệ thường, chuyện mua bán sẽ hơi lâu, giá cả đôi khi còn trả lên trả xuống vài phân, chứ tới tháng Chạp, thì nói sao bạn hàng mua vậy, bởi nông sản trên bờ đang “hút”. Mà dân đi ghe tụi tui không bán thách giá cao, bởi mình sống được là nhờ bà con ở đây ủng hộ. Dân đi ghe dù không ở cố định, nhưng phải nghĩ tới nghĩa tình mua bán với nhau. Bạn hàng ở Long Xuyên buôn bán được, dân thương hồ chúng tôi mới có nguồn thu khá mà đón Tết sung túc hơn” - chị Xuyên khẳng định.

Những ngày cận Tết, chợ nổi hầu như hoạt động suốt ngày chứ không chỉ tấp nập từ 4 giờ sáng đến 10 giờ trưa như mọi khi. Bạn hàng tới lui liên tục, có người ra ghe 2-3 bận mỗi ngày để lấy nông sản vào bờ. Khi đó, chị Xuyên và những thương hồ khác thấy phấn khởi vô cùng, bởi sẽ có một cái Tết tươm tất, đầm ấm cho gia đình. Vì suốt ngày bồng bềnh theo sông nước, họ “ít” gặp người trên bờ nên thấy ai thì quý người đó, đối đãi như bạn bè lâu ngày gặp lại.

Năm nay, dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều thương hồ có đến mấy tháng bỏ ghe lên bờ. Họ nhớ sông nước đến quay quắt! Lúc trở lại, bến chợ nổi Long Xuyên còn đó, nhưng người ra ghe cũng ít hơn. Giờ đây, những thương hồ vốn đã quen với cái sóng, cái nước và khung cảnh nên thơ của khúc sông Hậu hiền hòa tiếp tục trông chờ vào vụ chợ Tết cuối năm, để lại sống trong khung cảnh tấp nập ghe xuồng, người mua kẻ bán nhễ nhại mồ hôi.

Ăn Tết trên sông

Sau những ngày tất bật mưu sinh, dân thương hồ bắt đầu nhớ quê da diết khi thấy những cánh hoa mai bung nở ở mũi ghe. Lúc ấy, mỗi người sẽ chọn cho mình cách đón Tết riêng.

Anh Nguyễn Văn Ân (thương hồ đến từ tỉnh Bến Tre) xởi lởi:  “Mấy ngày cuối năm nôn về quê lắm, nhưng chờ coi lúc đó đồ trên ghe còn ít hay nhiều. Nếu tổ đãi, chiều 28 Tết tui đã có mặt ở nhà. Nhưng có năm đến tối 30 Tết còn cắm sào ở chợ nổi Long Xuyên. Với thương hồ, chuyện ăn Tết xứ người không phải hiếm. Anh thử tính, tới chiều 30 Tết còn nửa ghe hàng thì làm sao về quê được, nên phải ở lại để bán tới… sang năm!”

Trong nụ cười của anh thương hồ quê ở “xứ dừa” này, tôi thấy toát lên chút gì đó chạnh lòng khi nói đến những cái Tết xa quê. Bởi, Tết là sum vầy nhưng anh Ân và những “đồng nghiệp” của mình phải đánh đổi niềm vui đó để mưu sinh. Anh Ân cho biết, chợ nổi những ngày giáp Tết rất đông đúc nhưng bước sang ngày 28 tháng Chạp thưa vắng vô cùng. Bởi thế, những chiếc ghe còn lại thường kết thành hàng, đậu san sát nhau. Ở đó, họ là một “xóm ghe”, cùng nhau đón Tết giữa mênh mông sóng nước.

“Đậu ghe sát nhau ăn Tết cũng có cái vui của nó! Mấy chú lớn tuổi suốt đời phiêu dạt bến nọ, bến kia biết nhiều chuyện tiếu lâm, tới Tết mấy ổng lôi ra kể cười bể bụng! Vì là dân tứ xứ, quý nhau ở cái tình nên sống thiệt thà, ai có gì hùn vô mâm tiệc Tết. Vì anh em sống cùng cảnh “lênh đênh” nên chuyện mưu sinh kể 2 năm không hết! Nhờ có mọi người mà Tết xa quê cũng có không khí đoàn viên, để dân thương hồ tiếp tục với cuộc mưu sinh trong năm mới” - anh Ân tâm sự.

Điều thú vị nữa là dân thương hồ cũng đi du xuân như người khác. Vì mỗi năm họ đến bến chợ khác nhau nên có dịp đi chơi Tết ở chỗ nọ, chỗ kia. Như anh Ân, có năm cắm sào ở chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ), khi thì xuống Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), lúc lại ở Long Xuyên nên có thể vô bờ ngắm phố phường mấy ngày đầu năm. Anh Ân cho biết, vì mỗi nơi trang trí Tết mỗi khác nên cũng có phần lạ mắt, vui tươi.

“Như tui có năm còn về quê đón Tết, chứ mấy anh em bán hoa kiểng cực khổ hơn nhiều. Năm nào, họ cũng cắm sào tới chiều 30 Tết, khi không còn ai tìm mua hoa kiểng nữa mới chịu quay về. Lúc đó, ai cũng cúng giao thừa trên ghe. Mâm lễ đơn sơ với nén nhang tưởng nhớ ông bà, tổ tiên cũng giúp tụi tui đỡ buồn xa xứ! Dân thương hồ vốn quen như vậy. Mấy năm tui đi chở kiểng từ miệt Chợ Lách (Bến Tre) để bán Tết, đồng lời năm thịnh, năm suy không biết trước, nhưng chắc chắn là “ăn Tết” trên ghe!” - anh Ân trải lòng.

Những năm đó, vợ chồng anh cũng cố gắng có ít đòn bánh tét, nồi thịt kho để có phong vị Tết quê. Họ ngồi cùng nhau trên chiếc ghe của mình, lắng nghe thời gian lặng lẽ trôi từ năm cũ sang năm mới. Sáng mùng 2 Tết, bạn hàng trong bờ đã ra ghe để lấy nông sản, nên anh Ân và cái “xóm ghe” tứ xứ đó sẽ “khai trương”  buôn bán cho năm mới. Khi ấy, họ cùng nhau lao vào cuộc mưu sinh với niềm tin vào những điều tốt đẹp hơn trong 12 tháng dài thênh thang phía trước!

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích