Hồi đó, vừa bước qua tháng Chạp, khắp nơi trong nhà đã thấy mùi Tết. Tính mẹ tôi lo xa, nhà lại có mấy cái "máy bào" là 3 chị em tôi đang tuổi ăn tuổi lớn nên một mình mẹ phải sắm sửa, chuẩn bị Tết từ đầu tháng.
Đầu tiên là củ kiệu, củ cải, mẹ đi chợ mua mỗi thứ 5 kg, thấy mẹ mua nhiều, tôi ngán ngẫm: "Mua chi nhiều quá mẹ". Mẹ chỉ cười, nói: "Vậy chứ ăn còn thiếu, nhà mình hay có con cháu về chơi. Đãi mấy bữa là hết hủ củ kiệu".
Rồi mấy chị em tôi và mẹ cũng gọt xong 10 ký củ cải, củ kiệu. Dù cái lưng có đau nhưng nhìn mớ củ kiệu trắng tinh nằm gọn trong hủ, nghĩ tới mùi thơm, vị chua ngọt đậm đà của nó mà tôi thèm thuồng.
Xong đến phần sơn cửa, quét vôi tường nhà. Nhà tôi cất theo kiểu xưa, ngoại trừ cửa chính làm bằng gỗ, có mấy cái hoa văn hình bánh ú rất dễ sơn, còn lại 4-5 cái cửa sổ đều "khó nhằng" vì hoa văn chằng chịt, nhiều thanh sắt nhỏ đan xen, chỉ lấy vải lau cho sạch bụi cũng mất nửa ngày.
Chị em tôi sơn cửa thì ba tôi lãnh phần quét vôi. Cục vôi bỏ vô nước sôi sùng sục, xong được ba tôi cho thêm nước màu xanh da trời, rồi bó cái chổi cỏ, nhúng vô thùng, quét lên tường.
Làm xong, nhìn tường nhà, chỗ đều chỗ không nhưng ai cũng hài lòng vì nhà cửa tươi sáng hơn, hứa hẹn 1 năm làm ăn khấm khá.
Để có cái Tết đầy đủ món ngon, mẹ tôi phải chuẩn bị từ đầu tháng Chạp
Xong nhà cửa, đến phần lo mồ mả ông bà tổ tiên. Nhà tôi ở gần cánh đồng mã nhỏ, nơi ông bà tôi ở đó. Tầm 23 tháng Chạp, khu đồng mã đã chộn rộn người đi tảo mộ. Chị em tôi nôn Tết, những ngày 24, 25 tháng Chạp chừng 5 giờ sáng đã thức dậy, rủ nhau ra đầu ngõ, ngó người ta đi tảo mộ. Người lớn thì vác cuốc, chổi chà, con nít thì xách bình trà, bánh trái, nhang đèn… đi sau.
Có nhà 5-7 người đi tảo mộ, tiếng cười nói rộn rã cả cánh đồng. Cúng kiếng xong, người lớn ngồi trò chuyện, mời nhau chung rượu, miếng thịt, còn đám nhỏ chúng tôi được cho phong bánh in, bịch thèo lèo, vừa ăn vừa cười rôm rả.
Mùng 1 Tết, con cháu tập hợp để được ông bà ngoại lì xì
Nôn nhất là những ngày sát Tết, sau khi dọn dẹp nhà cửa, mồ mả ông bà xong, cả nhà lại cùng nhau quây quần chuẩn bị nồi thịt kho tàu và nồi canh khổ qua. 2 món này mẹ tôi nấu ngon nhất, không chỉ hương vị thơm ngon, màu sắc hài hòa, mà ngon vì thuở còn thiếu thốn, chỉ cần 2 món này, cả nhà tôi ăn 3 ngày tết vẫn không ngán.
Rồi trước đêm giao thừa, bác Ba, chú Tám hàng xóm tụ lại nhà tôi ngồi nhâm nhi chén trà, ôn lại chuyện năm cũ. Chỉ có vậy mà trong lòng tôi đã lâng lâng niềm hạnh phúc, bình an vô cùng.
Giây phút thiêng liêng nhất là gia đình tôi cùng quây quần chờ đón giao thừa. Mẹ trải tấm chiếu nhỏ giữa sân nhà, bày mâm trái cây, bông vạn thọ, mấy ngọn đèn, chờ đúng 0 giờ là khấn vái, còn chúng tôi thành khẩn lạy, cầu mong 1 năm nhiều sức khỏe, bình an.
Tết đoàn viên, mọi thành viên trong gia đình đều có mặt chúc bà nội sống vui cùng con cháu
3 ngày Tết cũng trôi qua trong niềm hân hoan và tiếng cười rộn rã của bà con họ hàng, xóm giềng qua lại chúc tết. Nhờ vậy, tết là dịp chúng tôi biết thêm họ hàng xa, láng giềng gần…
Từ ngày lấy chồng, ra riêng, dù nhà tôi cách nhà mẹ có 3 cây số nhưng cứ tất bật lo công việc, gia đình nên không còn túm tụm phụ mẹ cắt củ kiệu, củ cải như trước. Một mình mẹ tẩn mẩn cũng xong, rồi cho chị em tôi mỗi đứa 1 hủ. Nhà cửa cũng vậy, thằng út phụ mẹ chà bộ lư, quét mạng nhện, còn sơn phết thì lâu lâu mới làm, chúng tôi cũng không có cơ hội "cực" như trước.
Giao thừa, tôi cũng bày biện mâm cúng ở nhà, không còn quây quần bên ba mẹ và mấy đứa em như hồi nhỏ. Dẫu giây phút thiêng liêng ấy vấn vương trong lòng nhưng không ấm áp như xưa.
Ai rồi cũng lớn, cũng rời xa tổ ấm của mình. Dẫu cuộc sống hôm nay có khấm khá hơn, đồ ăn thức uống đa dạng hơn nhưng ký ức về cái tết thiếu thốn khi xưa vẫn in đậm, như một phần máu thịt của chị em chúng tôi.
Chợt nghe bài hát "Nhà là nơi để về", chợt muốn trở lại thời bé dại.
Theo THU HỒNG (Người Lao Động)