Muỗi Aedes aegypti. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Công ty InnovaFeed của Pháp, chuyên nuôi côn trùng làm thức ăn cho gia súc, đang hợp tác với Chương trình Muỗi thế giới (WMP) của Australia để thúc đẩy hoạt động sản xuất muỗi quy mô lớn đầu tiên. Sau đó, số muỗi này có thể được chỉnh sửa gene và thả ra môi trường để làm giảm số lượng muỗi trong tự nhiên.
Sự gia tăng tỷ lệ mắc sốt xuất huyết, Zika, Chikungunya và sốt vàng da là nguyên nhân và cũng là động lực để các nhà nghiên cứu WMP mở rộng quy mô các dự án trước đó.
Cách đây 10 năm, WMP đã triển khai một dự án, được Quỹ từ thiện Bill&Melinda Gates tài trợ một phần, nhằm cấy một loại vi khuẩn vào muỗi cái có khả năng ức chế sự lây truyền các loại virus gây bệnh từ muỗi sang người. Những con muỗi này, mang vi khuẩn có tên Wolbachia, đã được thả ra môi trường tự nhiên ở Australia, sau đó là Brazil, New Caledonia (vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Tây Nam Thái Bình Dương), và Indonesia. Tại Indonesia, kết quả một nghiên cứu trên 300.000 người cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã giảm 77% ở những vùng nuôi và thả muỗi biến đổi gene ra môi trường.
Theo số liệu thống kê, số ca mắc sốt xuất huyết trên thế giới đã tăng gấp 8 lần trong hai thập kỷ qua, từ mức 500.000 ca vào năm 2004 lên 4,2 triệu ca vào năm 2019. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh sốt xuất huyết sẽ gây sốt, phát ban, đôi khi có thể gây đau nhức ở cơ và khớp. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu xảy ra xuất huyết nội tạng và virus tấn công các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
Bệnh sốt xuất huyết và Zika đang là những vấn đề khiến giới chức y tế Pháp đau đầu, sau khi bùng phát những đợt dịch lớn tại những vùng lãnh thổ hải ngoại của nước này ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Nam Mỹ trong những năm gần đây.
Các nhà khoa học cảnh báo hiện tượng Trái Đất ấm lên do tình trạng biến đổi khí hậu có thể gây ra các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết, Chikungunya hoặc Zika trong tương lai do muỗi sinh sôi trong môi trường khí hậu nóng ẩm.
Theo PHAN AN (Báo Tin Tức)