Mỗi con diều đủ màu sắc, kiểu dáng, kích thước, chỉ dao động vài mươi ngàn đồng, được bày bán ở các tiệm tạp hóa, tiệm đồ chơi hoặc quầy lưu động ven đường. Nào là bướm, cá mập, rồng phượng, nhân vật hoạt hình… dễ lựa chọn, dễ mua. Thêm vài ngàn đồng nữa để mua dây, xem như đủ bộ. Thả diều không khó, cũng không tốn kém. Có lẽ đó là lý do khiến thả diều trở thành sở thích của rất nhiều người, từ trẻ nhỏ đến trung niên, nam lẫn nữ, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức lẫn người lao động chân tay. Để diều bay cao, chỉ cần nắm vững kỹ thuật canh hướng gió, khéo léo “né” chướng ngại vật và linh động kéo, thả dây diều. Ở chỗ đông diều, càng phải chú ý dây diều của mình, sao cho đừng “thân mật” với dây diều của người khác.
Đám trẻ thích thú với con diều tự làm
Dưới bầu trời diều, câu nói tôi được nghe nhiều nhất là “Hồi xưa, tôi tự mình làm diều…”. Trong ký ức của người trưởng thành, con diều tượng trưng cho cả thời thơ ấu ngây ngô, trong sáng. Chúng được tạo thành từ đủ mọi cách: bằng giấy, bằng bọc ny-lon quai xách, bằng bàn tay vụng về của đám trẻ, bằng đôi tay chai sần khéo léo của cha, bằng ước mơ có con diều riêng cho chính mình, bằng tấm lòng thương yêu con trẻ vô bờ bến… “Hồi đó làm gì có diều bán sẵn như bây giờ. Muốn chơi diều, phải chuẩn bị sẵn từ mấy ngày trước. Loại diều phổ biến nhất là diều giấy hoặc diều ny-lon, khung tre. Nếu làm diều giấy thì dán keo, hồ, còn nếu làm bằng ny-lon thì lấy nhang châm vào. Khung nặng quá thì tìm cách làm đuôi diều dài ra, cân bằng lại. Dây thả diều là dây gân trong, quấn vào cục đất hoặc lon sữa bò. Cả tuổi thơ của tôi chỉ gói gọn trong ngày hè giang nắng, đi chân trần thả diều trên đồng ruộng, bờ đê, thi với tụi bạn xem ai thả diều lâu nhất. Nhiều cảm xúc nhất là lúc diều “băng” (đứt dây - PV), cả đám chạy theo níu dây diều lại. Chụp hụt coi như mất diều, về buồn đứt ruột, lại cặm cụi làm con diều khác” - anh Nguyễn Mạnh Thiên (40 tuổi) chia sẻ.
Cánh diều mỏng manh nhưng tải nặng tâm tình của con người. Tôi nhớ, anh ruột của tôi bị thiểu năng từ nhỏ, nhưng rất thích chơi diều. Anh không thích ai làm giúp mình, nên lén lấy tập học của tôi, lấy đũa ăn của mẹ, để ý cách làm của đám trẻ trong xóm, rồi tự cầm dao chuốt nhọn đũa thành khung diều, tỉ mẩn lấy hồ dán vào giấy. Con diều không đẹp, không ngay ngắn, có chút khuyết tật giống anh. Lại thêm đường hẻm thành thị nhỏ hẹp, vì vậy chưa một lần anh thả diều thành công. Mùa diều này nối tiếp mùa diều khác, anh tôi cũng làm hết con diều này đến con diều khác, tất cả đều chung số phận… cắm đầu xuống đất. Nhưng anh vẫn không từ bỏ, đơn giản vì chúng là thú vui duy nhất của anh, khi chẳng có bất kỳ người bạn nào kiên nhẫn chơi cùng. Thành thử, chẳng nỡ tước đoạt ước mong của anh, tôi và mẹ vẫn lén để lại vài cuốn tập cũ, đũa bỏ đi để anh được thỏa lòng chơi đùa.
Thả diều là thú vui của nhiều người
Giữa bạt ngàn diều được sản xuất giống hệt nhau, tôi gặp một đám trẻ đang hí hửng mang con diều cánh én tự làm ra thả. Con diều làm bằng ny-lon mỏng, màu sắc nhạt nhòa, khung bằng tre quá nặng nề so với tổng thể. Vậy mà, đám trẻ nâng niu như bảo vật, mặc kệ diều rách một góc cánh sau lần thả đầu tiên. Có người đàn ông giúp sửa lại, con diều mới tung bay lên cao. Chẳng nổi bật như những “đồng loại” đủ màu gần đó, nhưng con diều vẫn kiêu hãnh căng gió, làm đầy nụ cười trên mặt mỗi đứa trẻ.
Mùa diều được ngóng chờ bởi đó còn là mùa làm ăn của những người mua gánh bán bưng. Chỉ cần khu vực nào rộng rãi, thoáng đãng, đông người đến thả diều, hàng quán lưu động sẽ tụ họp về. Người ta rôm rả nói cười, ăn uống, vui chơi, xôm tụ cả một góc. Bà năm Tùng (51 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) mới “Nam tiến” 6 năm nay, vì nghe nói nơi này dễ làm ăn hơn quê mình. Chiều chiều, cả gia đình bà xuất phát trên 5 chiếc xe kẹo kéo, tản đi khắp nơi trên đường phố Long Xuyên để mua bán. Tới mùa diều, bà rẽ hướng sang khu Golden City (phường Mỹ Hòa), chạy vòng vòng đến chiều tối. Chiếc xe đạp chìm trong tiếng nhạc xập xình, nhưng thường được dừng lại vì khách hỏi mua kẹo kéo khá đông. “Ngày thường, tôi hay chạy đến các quán ăn, công viên... Tranh thủ thời điểm mọi người thả diều, tôi đi theo, bán được không ít. Loanh quanh tới 10 giờ đêm, cả nhà tôi tụ họp trở về, cùng ăn cơm, nghỉ ngơi” - bà Năm Tùng cho biết. Vất vả, xa quê là vậy, nhưng nụ cười vẫn nở trên môi bà, sáng bừng như màu sắc con diều ở phía sau...
Chiều dần tàn. Ánh đèn đường đã sáng. Những con diều chẳng còn thấy rõ màu sắc trong bóng tối nhá nhem, nhưng vẫn bay ngợp trời, như đàn cá tung tăng trong đại dương. Đôi khi, con người chỉ lấy cớ thả diều, mượn cánh diều giải tỏa lo lắng, phiền muộn của cuộc sống. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là có thể nắm bắt được cơn gió vô hình thông qua rung động của dây diều…
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG