Ông Prayut Chan-Ocha với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) đêm qua (9-7) đã dỡ bỏ 100 sắc lệnh được ban hành từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 tại Thái Lan. Trong đó có một số lệnh cấm với báo chí và ngưng sự hoạt động của toà án quân sự.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-Ocha. Ảnh: Bangkok Post.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-Ocha đã sử dụng các quyền lực đặc biệt của ông lần cuối cùng bằng việc dỡ bỏ những lệnh cấm đối với báo chí và chuyển tất cả các vụ án liên quan đến những tội chống lại những mệnh lệnh của ông sang các tòa án dân sự, chấm dứt sự cầm quyền của quân đội - một chủ đề bị chỉ trích nhiều ở trong và ngoài nước trong vòng 5 năm qua.
Việc chuyển giao thẩm quyền xét xử này là một phần của một mệnh lệnh có ảnh hưởng sâu rộng nhằm bãi bỏ 66 trong số khoảng 460 mệnh lệnh và tuyên bố mà ông Prayut đã đưa ra kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014.
Cùng với việc nội các do ông Prayut đứng đầu sẽ được Hoàng gia phê chuẩn bất cứ lúc nào kể từ bây giờ, Thủ tướng Prayut sẽ tiếp tục cầm quyền thêm 4 năm nữa, nhưng không còn các quyền lực đặc biệt trao cho ông.
Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) do ông Prayut đứng đầu sẽ được giải tán theo Hiến pháp khi nội các mới tuyên thệ nhậm chức. Công báo Hoàng gia tối 9/7 của người đứng đầu NCPO, nói rằng: “NCPO đã ra những tuyên bố và mệnh lệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền và cải cách quốc gia, đồng thời thúc đẩy đoàn kết và hòa giải trong nhân dân. Giờ đây việc thực hiện một số tuyên bố và mệnh lệnh đã hoàn tất, không còn đáp ứng yêu cầu".
Tuy nhiên, những thành viên đối lập và những người chỉ trích nói rằng một số mệnh lệnh cũ đã được đưa vào một văn bản mới là luật Bộ Chỉ huy các chiến dịch an ninh nội địa (ISOC). Theo những người này, ISOC sau tái cơ cấu có thể triệu tập và bắt người để thẩm vấn mà không cần có lệnh trong vòng 7 ngày nếu có cơ sở nghi ngờ, cũng giống như NCPO đã làm theo Điều 44 Hiến pháp lâm thời. Một số dạng của các lệnh cấm đối với báo chí đã được tích hợp vào luật tội phạm máy tính sửa đổi được thông qua bởi Hội đồng Lập pháp Quốc gia (NLP) do NCPO chỉ định./.
Theo QUANG TRUNG (VOV)