Thái Lan nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc chữa COVID-19

20/08/2021 - 14:00

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh, cũng giống như nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học, viện nghiên cứu Thái Lan đang nỗ lực chạy đua nghiên cứu chế tạo các loại vaccine và thuốc để kiểm soát đại dịch nguy hiểm này.

Mặc dù Thái Lan đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân để giảm số ca nhiễm và tử vong. Tuy nhiên, do nhu cầu về vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới đang tăng cao nên số lượng vaccine mà Thái Lan tiếp nhận từ các hãng sản xuất vaccine nước ngoài không được như kỳ vọng. Trong tình hình này, các viện nghiên cứu, hãng dược phẩm Thái Lan đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình nghiên cứu sản xuất các loại vaccine nội địa để có thể nhanh chóng lấp đầy nguồn cung vaccine trong thời gian sớm nhất.

Được coi là loại vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA đầu tiên ở Đông Nam Á, vaccine ChulaCovid19 của Viện Nghiên cứu vaccine Chula (Chula VRC) thuộc trường Đại học Chulalongkorn đã bắt đầu được đưa vào thử nghiệm trên người và thu được những kết quả đáng khích lệ. Tiến sĩ Kiat Ruxrungtham, người sáng lập Chula VRC khẳng định, mức kháng thể mà ChulaCov19 giúp tạo trên cơ thể người cũng tương đương với các loại vaccine mRNA khác như Pfizer BioNTech và Moderna trong khi có khả năng đề kháng tốt hơn đối với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu.

Ông cho biết thêm: “Mức đáp ứng kháng thể cao do vaccine tạo ra có khả năng ức chế sự lây truyền của 4 chủng virus chính là Alpha, Beta, Gamma và Delta. Vaccine ChulaCov19 cũng kích thích khả năng miễn dịch tế bào T, giúp loại bỏ và kiểm soát virus trong tế bào của người bị nhiễm bệnh”.

ChulaCovid19 của Viện Nghiên cứu vaccine Chula. (Ảnh: Đại học Chulalongkorn)

Tiến sĩ Kiat khẳng định, 1 trong những lợi thế của vaccine mRNA là có thể sản xuất với số lượng rất lớn, giúp giảm chi phí về lâu dài. Đồng thời, vaccine ChulaCov19 còn có thể lưu giữ ở nhiệt độ của tủ lạnh thông thường, từ 2-8°C trong 3 tháng và 2 tuần ở nhiệt độ phòng.

Hiện vaccine ChulaCov19 đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm trên người đầu tiên với sự tham gia của 36 tình nguyện viên, có độ tuổi từ 18 đến 55. Sau 2 mũi tiêm, tất cả các tình nguyện viên đều không xuất hiện các phản ứng phụ nghiêm trọng. Giai đoạn thử nghiệm thứ 2 sẽ được tiến hành vào cuối tháng 8 này. Tiến sĩ Kiat cho biết, nếu các thử nghiệm thành công, dự kiến loại vaccine này sẽ được đưa ra thị trường vào tháng 4/2022.

Trong khi đó, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học quốc gia Thái Lan (BIOTEC) lại lựa chọn 1 hướng đi khác trong việc nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19. Trung tâm này hiện đang phát triển 2 loại vaccine xịt qua đường mũi và dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên người vào cuối năm nay. Hai loại vaccine do BIOTEC phát triển là các loại vaccine sử dụng virus cúm và adeno virus (vaccine được điều chế bằng cách chèn 1 phần tử gen di động vào lõi  của 1 chuỗi DNA virus kép thông qua nhân bản trực tiếp hoặc tái tổ hợp).

Theo tiến sĩ Anan Jongkaewwattana, nhà virus học nổi tiếng trong lĩnh vực virus học phân tử của BIOTEC, phần lớn các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay đều được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm bắp tay, để kích thích kháng thể trong máu. Tuy nhiên, lượng kháng thể ở đường mũi lại không đủ để ngăn chặn virus xâm nhập vào cơ thể bởi virus SARS-CoV-2 lây qua hô hấp. Bởi vậy, loại vaccine truyền vào cơ thể qua đường mũi của BIOTEC sẽ giúp sản sinh kháng thể ở lớp niêm mạc mũi, nơi virus bám rễ và từ đó xâm nhập cơ thể.

Hiện các nhà khoa học của BIOTEC đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm trên người loại vaccine của họ vào cuối năm nay, sau khi các thử nghiệm trên chuột trong phòng thí nghiệm đã cho thấy những kết quả tích cực. Ông Anan cho biết,  nếu các thử nghiệm thành công, Thái Lan có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt loại vaccine xịt qua đường mũi vào giữa năm tới.

Một ứng cử viên khác trong cuộc chạy đua sản xuất vaccine ngừa COVID-19 ở Thái Lan hiện nay là vaccine được chế tạo từ thực vật của Baiya Phytopharm. Một công ty trực thuộc khoa Khoa học Dược phẩm của Trường Đại học Chulalongkorn, Baiya Phytopharm được thành lập năm 2018 nhằm cung cấp 1 nền tảng dựa trên protein trong việc cung cấp 1 giải pháp nhanh, đơn giản và có thể mở rộng nhằm thay thế chất gây men của công nghệ sinh học bằng thực vật. 

Baiya Phytopharm đã phát triển loại vaccine ngừa COVID-19 dựa trên thực vật bằng cách sử dụng công nghệ Baiyapharming của mình. Công ty này đã tìm cách nghiên cứu, chế tạo được ít nhất 6 mẫu vaccine từ lá cây Benthi (Nicotiana benthamiana), 1 loại cây cùng họ với cây thuốc lá.

Một trong số đó, loại vaccine có tên Baiya SARS-CoV Vax 1 đã được công ty thử nghiệm thành công trên chuột và khỉ. Loại vaccine này sử dụng 1 đơn vị protein chiết xuất từ lá cây thuốc lá để bắt chước virus COVID-19 và kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người nhận. Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine đã giúp tăng cường mức độ trung hòa kháng thể chống lại virus chỉ sau 2 mũi tiêm. Vaccine của Baiya Phytopharm hiện đang giai đoạn tiền sản xuất và công ty đã nộp đơn xin phê chuẩn tiến hành thử nghiệm hiệu quả và độ an toàn trên người, dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 12/2021.

Ngoài các loại vaccine ngừa COVID-19, các nhà khoa học  Thái Lan cũng đang nỗ lực nghiên cứu các loại thuốc để điều trị cho các bệnh nhân đã nhiễm virus.Viện Hoàng gia Chulabhorn hiện đang hợp tác với Khoa Khoa học Dược phẩm Trường Đại học Chulalongkorn để nghiên cứu sản xuất thuốc Favipiravir dạng si-rô để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 gặp khó khăn khi uống thuốc viên, thí dụ như trẻ em, người già và những người có vấn đề về cổ họng.

Theo Tiến sĩ Nithi Mahanonda, Tổng Thư ký CRA kiêm Giám đốc Bệnh viện Chulabhorn Memorial, loại si-rô Favipiravir này được dùng để điều trị cúm và những bệnh nhân COVID-19 nặng ở giai đoạn đầu, đã được sản xuất và sẵn sàng đưa vào sử dụng từ đầu tháng 8. Dự kiến, loại thuốc này sẽ được cung cấp miễn phí cho các bệnh nhân COVID-19 và lượng thuốc được sản xuất trong mỗi tuần sẽ đủ để điều trị cho 100 bệnh nhân.

Mặc dù các sản phẩm vaccine của Thái Lan đã có những kết quả thử nghiệm ban đầu rất đáng khích lệ, nhưng các viện nghiên cứu cũng đang gặp phải 1 số vấn đề về tài chính và chính sách. Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Chulalongkorn đã kêu gọi chính phủ Thái Lan hỗ trợ tài chính cho các nhóm nghiên cứu vaccine đồng thời tạo thuận lợi về chính sách để sớm có thể đưa sản phẩm của họ phục vụ cho chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Thái Lan vào tháng 4/2022.

Theo NAM ĐÔNG (Báo Nhân Dân)