Thăm Đàn tế Nam Giao

07/04/2023 - 06:48

 - Là di tích thuộc Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), Đàn tế Nam Giao là nơi vãn cảnh không thể bỏ qua của du khách có dịp đến tham quan vùng đất Tây Đô xưa. Mặc dù đã trải qua hơn 600 năm tuổi, nhưng Đàn tế Nam Giao vẫn còn lưu giữ những vết tích, kiến trúc mang đậm phong cách thời nhà Hồ.

Sau khi tham quan Thành nhà Hồ, du khách thường được hướng dẫn di chuyển về phía đông nam 2,5km để thăm một trong những đàn tế còn nguyên vẹn nhất Việt Nam hiện nay. Theo sử cũ chép, năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi, lập ra triều đại nhà Hồ và lập kinh đô mới Tây Đô, còn gọi Tây Giai để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, TP. Hà Nội). Năm 1402, vua Hồ Hán Thương, con trai thứ được Hồ Quý Ly truyền ngôi, đã lệnh cho xây dựng Đàn tế Nam Giao.

Viên đàn nơi cao nhất của Đàn tế Nam Giao

Tế “Nam Giao” có nghĩa là lễ tế trời đất ở vùng phía Nam kinh thành. Đây là công trình tôn giáo quan trọng bậc nhất của triều Hồ, nơi hàng năm hoàng đế làm lễ tế cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ tế Nam Giao khẳng định tính chính thống và uy quyền của hoàng đế theo mệnh trời cai trị thiên hạ. Nằm trọn vẹn trong lòng núi Đốn, đàn tế có diện tích 43.000m2, có 5 bậc nền, cao dần lên theo hướng chân núi.

Phần trung tâm của đàn, nơi cao nhất gồm 3 vòng tường bao bọc lẫn nhau. Phương đàn có hình vuông, bọc lấy Viên đàn hình tròn tượng trưng cho trời và đất giao hòa. Đàn tế còn nguyên dấu tích nền móng của các kiến trúc phụ với 4 cổng lớn, 5 cửa ra vào, lối đi và 25 cống thoát nước. Trục chính giữa gồm 5 làn đường lộ rõ dấu vết của đường “Thần đạo” dẫn lên trung tâm đàn tế. Làn đường lớn nhất ở giữa lát bằng đá xanh chỉ dành cho Thượng đế và thần linh, gọi là Thần ngự đạo. Hai làn bên, mỗi làn rộng 1,5m được lát bằng đá phiến. Làn phía Đông chỉ dành cho Vua đi gọi là Ngự đạo, làn phía Tây dành cho các quan đại thần. Hai làn ngoài cùng dành cho tùy tùng theo vua phục vụ việc tế lễ.

Ngay cạnh con đường thần đạo là cung vua, nằm bên trái, hiện chưa khai quật hết. Tương truyền, trước lễ tế, nhà vua phải qua cung trước 7 - 10 ngày để trai giới (nghỉ ngơi, ăn chay, đánh cờ, tĩnh dưỡng). Nghĩa là chỉ khi đã chay tịnh, tẩy trần, nhà vua mới cầu được thiên thời, địa lợi, nhân hòa, quốc thái, dân an.

Đường Thần đạo dẫn lên trung tâm đàn tế

Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ tìm ra một công trình đặc biệt khác là giếng Vua, còn gọi Ngự dục, Ngự duyên. Giếng Vua có dáng hình vuông. Phần thành giếng được xây bằng các khối đá xanh được gia công kỹ lưỡng tạo thành bậc thu nhỏ dần từ ngoài vào lòng, tạo hình kim tự tháp ngược. Đây là giếng cổ có quy mô lớn nhất ở Việt Nam hiện được biết đến. Từ miệng giếng đến đáy giếng có tổng cộng 9 thành bậc, tạo chiều sâu 5,6m. Thành giếng trên cùng có kích thước lớn nhất, mỗi chiều dài 13m. Lòng giếng có hình tròn, đường kính khoảng 6,5m.

Kết cấu vuông - tròn của giếng biểu trưng cho trời và đất (trời tròn, đất vuông). Số 9 là số bậc thành giếng, cũng là con số mang biểu tượng tâm linh trong văn hóa phương Đông. Nước trong giếng luôn màu trong xanh. Các nhà nghiên cứu cho rằng, xưa kia nước giếng được vua và quần thần dùng để thanh tẩy và trai giới trước khi làm lễ tế.

Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng Đàn tế Nam Giao là đá xanh, tương tự đá xây thành. Khai quật khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật đất nung rất tinh xảo, có niên đại từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV, như: Đầu rồng, phượng mỏ vẹt, chim uyên ương, các loại ngói mũi cánh lá sen, ngói mũi lá, ngói mũi hài, ngói lá đề, ngói âm dương, ngói ống trang trí… Đây là bằng chứng của hệ thống kiến trúc với hệ mái trang trí linh vật phong phú, chịu ảnh hưởng rõ nét của nghệ thuật Phật giáo.

Giếng Vua vẫn còn giữ nguyên vẹn

Trong đợt khai quật tháng 4/2012, các nhà khảo cổ đã phát hiện ngôi mộ táng khổng lồ, bên trong có bộ xương còn tương đối nguyên vẹn. Bộ xương ở tư thế nằm ngửa, được đặt trong bia mộ bằng đá. Ngôi mộ đá nằm dưới lòng bức tường bao vòng ngoài của Đàn tế Nam Giao, sát chân núi Đốn. Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ nhận định đây là bộ xương trâu. Nhưng vì sao lại mai táng trâu ở vị trí trang trọng là đàn tế, nơi được coi là chốn linh thiêng, đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Anh Phạm Đức Vinh (người nghiên cứu văn hóa địa phương, ngụ xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Đối với người phương Đông, quan niệm “tam sinh” (3 vật dùng trong lễ tế thần, gồm: Trâu, dê, ngựa) đã trở thành luật bất thành văn và ăn sâu trong tâm thức người Việt. Rất có thể trước khi khởi dựng đàn tế, Hồ Quý Ly đã cho cúng trâu để tế thần linh. Mặt khác, xứ Thanh thuộc hạ lưu sông Mã, là vùng canh tác lúa nước màu mỡ phì nhiêu hàng ngàn năm nay nên con trâu luôn được đề cao. Vua Hồ cho cúng tế thần linh bằng trâu với mong muốn dân được no đủ, mùa vụ bội thu”.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, Khu di tích Đàn tế Nam Giao được phát hiện, đưa vào thống kê từ những năm 80 của thế kỷ XX. Năm 1990, cụm di tích lịch sử văn hóa gồm đền thờ Trần Khát Chân, chùa Giáng (Tường Vân tự), chùa Giò (Nhân Lộ) và Đàn tế Nam Giao được công nhận là di tích cấp tỉnh. Tháng 10/2007, Đàn tế Nam Giao được công nhận là Di tích khảo cổ cấp quốc gia.

Dù đã tồn tại hơn 600 năm, Đàn tế Nam Giao vẫn còn giữ khá nguyên vẹn và quý giá nhất Việt Nam. Cùng với các di tích khác, Đàn tế Nam Giao đã hợp thành một quần thể kiến trúc đặc trưng, góp phần vào việc tìm hiểu lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế - xã hội của triều Hồ, giúp tăng thêm giá trị đặc sắc và đưa tổng thể di tích Thành nhà Hồ trở thành di sản thế giới.

NGỌC GIANG