Thăm làng sản xuất “ông Táo”

17/01/2020 - 04:46

 - Giữa thời buổi bếp gas, bếp điện đều hiện hữu trong mọi gia đình, khó tin là những chiếc lò đất sản xuất ở xã Phú Thọ (Phú Tân) còn “bán chạy”. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, làng sản xuất “ông Táo” có thâm niên hơn 50 năm vẫn ngày đêm đỏ lửa. Đối với thợ trong nghề, họ tin đây là kết quả từ sự trân quý cái nghiệp ông bà truyền lại, đồng thời là tín hiệu để họ còn gắn bó dài lâu.

Từ trung tâm huyện Phú Tân (An Giang), ngược sông Hậu, vừa đến địa phận xã Phú Thọ đã thấy hàng hàng chiếc lò phơi dưới nắng. Đây là nơi duy nhất còn giữ nghề làm lò bằng đất sét và mọi quy trình bằng thủ công. Ngoài lộ, dưới nhà sàn, trước sân, rồi sau hè đều được tận dụng chất kín lò. Dưới bến sông, lao động thời vụ tập kết mỗi điểm khoảng 10 người thay nhau vác từng tảng đất lên bờ. Dù là nơi phát sinh ra nghề, nhưng nguyên liệu chính là đất phải mua từ tỉnh Kiên Giang vì đất dẻo, có lẫn cát mịn.

Không khí sản xuất nhộn nhịp ở làng làm lò đất Phú Thọ

Bà Trần Thị Lan (có 30 năm kinh nghiệm làm lò đất) cho biết, từ tháng 11 (âm lịch) các hộ dân đã “chạy đua” số lượng. Đến ngày đưa ông Táo theo truyền thống người Việt (ngày 23 tháng Chạp), ngoài lệ cúng, nhà nào cũng thay ít nhất 1 chiếc lò đất để góc bếp thêm mới mẻ. Đặc biệt ở vùng nông thôn và quán ăn, lò đất vẫn được ưa chuộng để nấu nước, nấu thuốc nam, nấu bánh.

Sản phẩm lò đất làm ra không chỉ đáp ứng đơn hàng trong Tết mà còn phục vụ suốt năm theo nhu cầu các tỉnh lân cận. Từ mùng 6 Tết, làm lệ xuất hành xong là làng lò đất đã nhộn nhịp trở lại, với chân lấm tay bùn và ghe xuồng mua bán tấp nập.

Bà Lan theo nghề này từ thời còn trẻ, vợ chồng ra riêng không có đất sản xuất, cũng không tài sản. Chỉ nhờ nghề làm lò, ông bà nuôi lần lượt các con ăn học đến nơi đến chốn. Vì vậy, dù có lúc làm ăn không thuận lợi, bà vẫn duy trì, quyết không đổi việc khác. Có người thắc mắc giữa thời buổi bếp gas, bếp điện phổ biến, sản phẩm lò đất còn tiêu thụ khá không? Bà Lan đáp lại với ánh mắt sáng rỡ: “3 năm nay giá lò bán cao hơn, số lượng nhiều hơn, làm không kịp bán. Bạn hàng đặt số lượng đến nỗi chờ cả tháng cũng chấp nhận”.

Đối với bà Lan nói riêng và những người gắn bó nghề làm lò đất nói chung ở làng này, đã quen tay rồi nên thấy công việc rất nhàn. Tuy nhiên, thế hệ con cháu rất ít người nối nghiệp, phần vì có điều kiện ăn học nên họ có việc làm khá hơn, số khác thì “chê” làm lò cực nhọc.

Thợ làm lò quanh năm chân lấm tay bùn, làm một chiếc lò đất phải qua rất nhiều công đoạn, như: xay đất, nhận khuôn, nhận mỏ lò, in vỉ, làm bóng, phơi nắng, cạo gọt hoàn chỉnh. Cực nhất là nung lò, phải canh lửa suốt 12 tiếng. Một bồn lò bán được 12 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 5-6 triệu đồng. Với bà Lan, nguồn thu nhập này ổn định, bình quân 1 tháng lời hơn chục triệu đồng để trang trải sinh hoạt gia đình.

Vẫn giữ nghề kiếm tiền từ… đất, ông Lê Văn Tích rẽ sang một hướng mới, làm các sản phẩm nấu nướng bằng đất và phát triển thị trường riêng. 6 năm nay, ông Tích chuyển từ nghề làm lò sang làm nồi om, ơ, khuôn bánh khọt, ấm đất, ly… Bạn hàng đến mua lò đất, thấy sản phẩm của ông mới lạ nên đặt số lượng nhiều.

Ông Tích cho biết, khác với làm lò, các sản phẩm gia dụng truyền thống không tốn nhiều nguyên liệu, chỉ đòi hỏi tay nghề nên thu nhập đem lại rất khá. Hiện nay, hàng do ông làm ra tiêu thụ tại thị trường Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Dương… khá mạnh. Gia đình canh tác 10 công ruộng nên ông Tích chỉ xem đây là việc phụ, nhưng không ngờ nghề tay trái này đã đem lại thu nhập chính rất ổn.

Hướng đi của ông Tích có thể xem là một “giải pháp tham khảo” lâu dài nếu một mai những chiếc lò đất hoàn toàn không còn cần thiết trong đời sống nữa. Tuy nhiên, đó là chuyện xa lắm, người trong nghề tin vậy! Ngày nào sản phẩm lò đất còn tiêu thụ mạnh, đem lại no ấm cho người dân, ngày đó họ vẫn còn lửa yêu nghề rất mãnh liệt và hăng say sản xuất.

Xã Phú Thọ hiện có 42 hộ sản xuất lò đất. Hàng năm được UBND xã ưu tiên vay vốn để duy trì nghề và nguồn vốn này phát huy rất hiệu quả. Dù chưa được công nhận làng nghề vì các điều kiện khách quan, nhưng sản phẩm lò đất tại Phú Thọ vẫn đảm bảo cuộc sống cho người dân, khẳng định chất lượng trên thị trường.

MỸ HẠNH

 

 

 

Sản phẩm nồi om của ông Tích