Toàn bộ “vương quốc” ấy là không gian yêu thương của bà Phan Thị Phụng Tiên. Nhìn thoáng qua, khách lạ sẽ cảm thấy khu vực trồng xương rồng này khá bình thường, chưa tìm thấy điểm nhấn độc – lạ như hình dung ban đầu.
Nhưng lần dò từng bước, ngắm kỹ từng chút trong khu vườn, bạn sẽ thấy bất ngờ với muôn vàn đa dạng của loại thực vật này.
Nhiều loại xương rồng mang hình dáng tròn trịa, quen mắt, đã từng gặp ở đâu đó trong cuộc sống. Tại nơi này, chúng được tập hợp về sống cạnh nhau, với đủ kích thước, từ bé xíu bằng đầu ngón tay cái, đến to bằng vòng tay ôm.
Thậm chí, có kích thước “khủng” như một đứa bé 6-7 tuổi ăn uống no đủ, biến các loại khác trở thành tí hon.
Một số “bé” xương rồng được trồng riêng trong chậu nhỏ, tương xứng với kích cỡ phát triển. Nhiều loại nhỏ đến mức phải căng mắt ra mới thấy được hình dáng, đặc điểm của cây.
Nương theo ánh sáng và tay nghề chụp ảnh của mỗi người, xương rồng trong vườn hiện lên đầy sức sống, mang vẻ đẹp khó rời mắt.
Điểm nhấn đặc biệt nhất là rực rỡ sắc hoa xương rồng, nổi bật giữa màu xanh của thân cây. Mỗi sắc hoa như một phép màu, làm vơi bớt ưu phiền của con người.
Niềm yêu thích xương rồng nảy nở trong bà Phụng Tiên gần 20 năm nay, thôi thúc bà sưu tầm thật nhiều loại cây này đem về “nuôi”. Đối với bà, mỗi cây xương rồng đều như một đứa bé trong gia đình, gắn kết với bà bằng tình yêu thương đặc biệt, nên bà đang “nuôi” chứ không “trồng” cây.
Đây là loại xương rồng bà Tiên yêu thích nhất – Echinocactus Grusonii (Kim Hổ). “Gai của chúng có màu vàng sáng hơn những loại khác, lại rất dễ sống, có thể phát triển bề hoành đến 1m. Mỗi khi mệt mỏi, tôi thường nhìn chúng để tâm trạng tốt hơn” – bà Tiên chia sẻ.
Loại xương rồng có tuổi thọ cao nhất trong vườn là Saguago Cactus. Theo bà Tiên, loại này có thể sống từ 300 – 350 năm. “Bé” trong ảnh đã hơn 10 năm tuổi, nhưng chỉ mới được chừng này. Bình quân, khi ở sa mạc, mỗi năm “bé” chỉ cao nhiều nhất 10cm. Khi được đưa về môi trường chăm sóc đầy đủ, cây sẽ phát triển nhanh hơn, có thể cao mấy chục mét.
Điều đặc biệt nhất là bà Tiên rất thích “nhận nuôi” những cây xương rồng bị bệnh, tưởng chừng khó sống sót. Từ bàn tay chăm sóc yêu thương của bà, từng cây dần hồi phục, phát triển tốt. Như cây Gymnocalycium Saglionis (Tân Thiên Địa), bà “làm móng” cho cây, bằng cách cắt bỏ gai đen, xấu, hư ở phía dưới. Sau 3 tháng, cây phát triển thêm 2 cây con, gai mọc đẹp hơn trước.
Chăm sóc cho xương rồng phát triển tươi tốt đã khó, chăm sóc để chúng trở thành cây đột biến còn khó hơn, tùy thuộc vào cơ may. Điển hình như 2 cây Gymno này, trong khi cây bình thường có màu đỏ tím với gai chi chít, thì cây đột biến lại xanh đậm, không có chiếc gai nào. Xương rồng đột biến sẽ có giá trị cao hơn, hình dáng cũng đẹp mắt hơn.
Xương rồng Lophophora Ariocarpus cũng không có chiếc gai nào, trông rất “nhẵn nhụi”, lạ mắt.
Cây xương rồng Fero Glaucenses đang hồi sinh dần dần qua bàn tay chăm sóc của bà Tiên. Dù vẫn còn chút méo mó, chưa đẹp mắt, nhưng giá trị của chúng trên thị trường rất cao.
Chủng loại xương rồng nào được nhân lên nhiều, bà Tiên sẽ bán lại, hoặc trao đổi với người có cùng đam mê. Còn những loại quý hiếm, dù được trả giá hàng chục triệu, bà vẫn khước từ, một mực giữ lại chăm sóc.
Mỗi cây xương rồng trước khi rời “vương quốc” đều được kiểm tra cẩn thận, từ thân cây đến bộ rễ, đảm bảo cây sống tốt ở “nhà mới”.
Xương rồng được quấn thật kỹ trước khi đóng thùng, gửi đến tay khách. Loại nào càng to thì càng tốn công đóng gói, vận chuyển, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cây bị hư hại.
Trước khi kết hôn, ông Đào Minh Út hiểu rõ niềm đam mê xương rồng của vợ, nên ông rất ủng hộ, thậm chí bỏ công sức chăm sóc, vun vén cho “vương quốc xương rồng” ngày càng đông đúc. “Những đứa con” khỏe mạnh đã kết nối họ sâu sắc hơn. Đó là nơi họ cảm thấy thanh thản, hạnh phúc được chia sẻ, lan tỏa, nhân rộng hàng ngày.
KHÁNH ĐĂNG