Thân thương chiếc áo bà ba

20/10/2023 - 06:34

 - Không biết từ bao giờ, chiếc áo bà ba trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân Nam Bộ. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong lao động, trong chiến đấu và những lễ hội đậm nét truyền thống dân gian, chiếc áo ấy vẫn có nét đẹp riêng và được trân quý, gìn giữ, như một phần cốt cách và hồn người phương Nam.

Bây giờ, mua một chiếc áo bà ba trên thị trường không khó, thậm chí rất đa dạng sắc màu, chất liệu. Nhưng tìm được thợ may có tay nghề dày dặn như bà Phạm Thị Nguyệt (ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành) và chỉ may chuyên áo dài, áo bà ba thì rất hiếm. Từ năm 17 tuổi, bà Nguyệt đã may áo bà ba, song song với nghề dạy học để làm kế sinh nhai, thấm thoát đã hơn 30 năm. Xung quanh bà, nhiều thợ may trẻ từ chối việc làm trong môi trường công nghiệp để phát triển nghề tại nhà, nhưng vẫn e ngại hoặc không biết may các trang phục truyền thống, nhất là áo dài và áo bà ba.

Bởi vẻ ngoài trông đơn giản, nhưng kỹ thuật may áo bà ba đòi hỏi nhiều kỹ xảo. Thợ may hiện đại khó lòng theo kịp xu hướng thời trang trên thị trường. Còn áo bà ba và áo dài là 2 trang phục của phụ nữ Nam Bộ không bao giờ bị lỗi thời. Bà Nguyệt cho biết rất hạnh phúc khi giữ được nghề qua mấy chục năm, lại thấy xu hướng phụ nữ ở mọi lứa tuổi ngày càng yêu thích diện áo bà ba.

Hơn 30 năm, bà Phạm Thị Nguyệt chăm chút từng chiếc áo bà ba cho những khách hàng yêu vẻ đẹp truyền thống

So với ngày xưa, áo bà ba hiện nay gần như không thay đổi, chỉ cách tân chút đỉnh: Đinh áo cao hơn, tùng đứng, eo suôn vừa để có sự thoải mái cho người mặc và bỏ đi 2 túi trước. Những khách hàng lớn tuổi thường sẽ may quần áo cùng màu. Còn các cô gái trẻ thì thích diện áo đủ sắc màu, hoa văn kết hợp với các mẫu quần đa dạng để điệu đà.

“Khách hàng của tôi đầy đủ thành phần, vì bây giờ nhiều người chuộng mặc trang phục truyền thống. Dịp Tết, về quê, đi thăm ông bà, đi chùa, lễ đình, miếu... kể cả tham quan du lịch hay đám tiệc, nhiều khách vẫn đặt tôi may áo bà ba để mặc. Ngày nay, nhu cầu mặc áo bà ba của mọi người càng tăng hơn, có lẽ vì vẻ đẹp, vì sự thoải mái và thích giữ một chút gì đó thuộc về truyền thống…” - bà Nguyệt chia sẻ.

Từ thời điểm này kéo dài đến Tết, khách hàng đã đặt may áo rất nhiều. Bình quân mỗi ngày, bà Nguyệt may hoàn thành từ 3 - 4 áo bà ba, chất liệu vải phong phú từ thun, voan đến loại cao cấp. Tiền công từ 130.000 - 150.000 đồng/bộ, trong khi áo may sẵn hàng loạt ngoài chợ, giá chỉ bằng một nửa.

Tuy nhiên, người kỹ tính một chút vẫn chọn may riêng theo số đo, kỹ lưỡng từng thước tấc, phải “khéo mặc” thì áo mới đẹp vừa vặn. Cổ áo được may dáng tròn cho người trẻ, dáng tim cho người trung niên trở lên. Đây cũng là phần khó may nhất để định hình cho cả chiếc áo, tôn trọn nét mặt hài hòa của người phụ nữ. Kế đến là 2 bên đinh áo, cùng công thức nhưng tùy theo dáng người, thợ phải cân chỉnh để khi mặc lên không bị hở tùng. Áo bà ba cũng tương tự áo dài, quyến rũ ở chỗ tuy xẻ tà lả lướt nhưng lại kín đáo, đằm thắm.

Không chỉ là trang phục truyền thống của người Nam Bộ, áo bà ba còn trở thành biểu tượng của quê hương. Hình ảnh cô gái duyên dáng trong bộ bà ba cùng chiếc khăn rằn, nghiêng nghiêng nón lá… đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Có lẽ vì đã ghi dấu đậm nét trong đời sống người dân Nam Bộ, vẻ đẹp thuần khiết ấy đến nay vẫn được lưu giữ, có nhiều sự thay đổi để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại và xu hướng thời trang.

Là du khách đến tỉnh An Giang trải nghiệm mùa nước nổi, chị Vương Thị Thanh (tỉnh Phú Yên) tỏ ra hào hứng: “Lần đầu tiên đến miền sông nước, ngồi xuồng ngắm cảnh, đặc biệt được mặc áo bà ba, cảm giác của tôi rất thoải mái, đẹp dịu dàng và tự tin. Cũng với chiếc áo này, khi nhìn ngắm các chị em khoác lên mình, ai cũng toát lên vẻ đẹp chân chất, hiền hậu”.

Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Áo bà ba là duy nhất là độc quyền của vùng đất Nam Bộ, có quá khứ hào hùng, có hiện tại mạnh mẽ, hội đủ những điều kiện để tiếp biến và thay đổi trong dòng chảy lịch sử. Ở góc nhìn của một nhà thiết kế, tôi thấy áo bà ba tối giản những đường nét để tôn lên cơ thể người phụ nữ. Không kiêu sa như áo dài, chiếc báo bà ba bình dị hơn, mộc mạc hơn và “tự do” hơn”.

Cùng với tà áo dài truyền thống, chiếc áo bà ba đang được các tầng lớp giới nữ làm “sống lại” một cách sống động, thiết thân trong đời sống ngày nay. Vẻ đẹp thuần khiết hồn hậu ấy đã từng xuất hiện trong các trận đánh oanh liệt, khi các mẹ, các chị kiên cường chung tay trong cuộc chiến giữ gìn đất nước. Ngày nay, từ các lễ hội, sự kiện văn hóa, hội thi mang đậm màu sắc truyền thống, chiếc áo bà ba đã được ưu tiên lựa chọn để các chị em thêm phần nổi bật, dịu dàng và tự tin.

MỸ HẠNH