Thấm nhuần đạo lý đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách, người có công với cách mạng. An Giang đã triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Việc xác nhận và thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và nhà nước đối với người có công đảm bảo đúng, đủ, chính xác, kịp thời, minh bạch.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cùng đoàn công tác thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Hai (phường Mỹ Long)
Các hoạt động, phong trào chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần người có công được cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực, huy động được mọi tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tích cực, như: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng và sửa chữa nhà Tình nghĩa, thực hiện chương trình giảm nghèo đối với các hộ chính sách; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sĩ già yếu cô đơn, đỡ đầu con thương binh, con liệt sĩ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn... Bên cạnh, các ngành chức năng trong tỉnh nỗ lực tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Tỉnh An Giang có trên 40.000 người có công đang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi. Cùng với đó, thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng, một lần và các chế độ liên quan cho trên 90.000 lượt người có công, với số tiền gần 250 tỷ đồng/năm. |
5 năm qua, toàn tỉnh An Giang tiếp nhận, quản lý và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp theo quy định, với tổng số tiền trên 36 tỷ đồng. Trong đó, tập trung thực hiện hỗ trợ nhà ở, trợ cấp đối với người có công với cách mạng gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp triển khai tốt việc hỗ trợ về nhà ở đối với người có công và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2022 - 2025, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 2018 - 2023, toàn tỉnh hỗ trợ nhà ở người có công đối với 3.129 hộ, số tiền khoảng 93 tỷ đồng; trên 1 triệu lượt người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế, số tiền trên 100 tỷ đồng; giải quyết ưu đãi giáo dục và đào tạo trên 3.000 thân nhân người có công; chi quà tặng 380.000 lượt người có công và thân nhân vào dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), với kinh phí gần 200 tỷ đồng; hỗ trợ khoảng 1 triệu hộ là người có công được vay vốn làm ăn, xuất khẩu lao động, phát triển kinh tế gia đình…
Ngoài ra, tỉnh An Giang có 156/156 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh tặng Bằng công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; trên 99,9% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Lãnh đạo tỉnh An Giang thắp hương tại phần mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTQVN tỉnh An Giang tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Qua đó, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, mất mát của gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công… đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Đồng thời mong muốn, các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vượt khó, chung sức, đồng lòng cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với các gia đình chính sách, người có công; kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình có công ổn định cuộc sống.
Hưởng ứng các hoạt động tri ân, thể hiện trách nhiệm đối với những Anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tập trung tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, như: Tổ chức thăm, tặng quà; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các thương, bệnh binh, các đối tượng chính sách; dọn dẹp vệ sinh, “Thắp nến tri ân” nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm; tham gia sửa chữa, xây mới nhà Tình nghĩa… Đặc biệt, hoạt động “Thắp nến tri ân” tại các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm trong tỉnh đã trở thành hoạt động thường niên của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.
“Qua những hoạt động tri ân, góp phần tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng và thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc của tuổi trẻ đối với các Anh hùng liệt sĩ, thương binh; giúp tuổi trẻ tự ý thức hơn về trách nhiệm của mình với Tổ quốc, học tập, ra sức rèn luyện, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh” - Bí thư Tỉnh đoàn An Giang Phan Duy Bằng chia sẻ.
Tháng 7 - tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước. |
KHÁNH MY