Khuyến khích ý tưởng sáng tạo
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thăm và tặng quà cho cán bộ, công nhân lao động trong ngày đầu làm việc của năm mới năm Nhâm Dần. Ảnh: TTXVN phát
Tháng Công nhân năm 2022 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động với phương châm hướng về cơ sở, chăm lo tốt cho đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sáng tạo nhằm góp phần ổn định, phát triển doanh nghiệp, việc làm và thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Đây là dịp để các cấp công đoàn trong tỉnh, các đơn vị và doanh nghiệp tích cực phối hợp phát động mạnh mẽ các hoạt động thi đua, nhằm nâng cao năng suất, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Một trong những hoạt động ý nghĩa của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong Tháng Công nhân năm 2022 là tiếp tục triển khai Chương “1 triệu sáng kiến” nhằm khuyến khích nhiều ý tưởng sáng tạo, phát huy tinh thần thi đua vượt khó, sáng tạo của đoàn viên công đoàn. Mặc dù dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả nhưng vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, Công đoàn Viên chức Thành phố Hồ Chí Minh và các công đoàn cơ sở trực thuộc đã tổ chức thành công nhiều hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy tinh thần sáng tạo của công nhân lao động trong lao động sản xuất. Trong một thời gian ngắn, các công đoàn viên của thành phố đã có hơn 2.000 sáng kiến, vượt gần 120% chỉ tiêu được giao.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội là đơn vị đăng ký sớm nhất với số lượng đăng ký vượt chỉ tiêu cao nhất cả nước là 130 nghìn sáng kiến, gấp hai lần chỉ tiêu định hướng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, để có kết quả nêu trên, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố đã quyết liệt trong chỉ đạo, sự vào cuộc nhanh chóng của các cấp công đoàn Thủ đô, cùng sự tham mưu kịp thời của “Tổ hỗ trợ sáng kiến” kịp thời trợ giúp công nhân có sáng kiến, sáng tạo. Ở công đoàn cấp trên cơ sở, một cán bộ công đoàn được giao phụ trách công tác này, thường xuyên cập nhật danh sách, số lượng sáng kiến.
Chỉ sau hai tháng triển khai, công đoàn Thủ đô đã quyết định khen thưởng nóng 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động này ngay trong quý I/2022. Nhằm huy động sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm cao hơn nữa của đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố vừa phát động “Chiến dịch cao điểm 35 ngày”, với mục tiêu thi đua đạt 52 nghìn sáng kiến đăng ký trên hệ thống phần mềm trực tuyến trong giai đoạn 1 (tính đến hết 31/5/2022).
Có thể thấy, sau gần bốn tháng triển khai Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, tất cả Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, triển khai tới cơ sở. Theo thống kê, tính đến ngày 11/5/2022, Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19 đã chính thức đạt mốc 300.000 sáng kiến, hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 1 vào ngày 11/5/2022.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, đây là một thành quả rất quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống Công đoàn, của đội ngũ cán bộ, đoàn viên và người lao động cả nước hưởng ứng, thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, thành quả đạt được là đáng mừng, đáng trân trọng, nhưng cũng mới là bước đầu, chặng đường phía trước của Chương trình còn dài, mục tiêu 1 triệu sáng kiến còn xa, khó khăn, thử thách còn nhiều. Mỗi cá nhân, đơn vị không được phép thỏa mãn mà cần tiếp tục nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa.
Đối thoại vì công nhân
Tháng Công nhân năm nay diễn ra trong bối cảnh tập trung khôi phục, phát triển sản xuất khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra định hướng gồm 10 hoạt động lớn để các địa phương, các ngành và từng công đoàn cơ sở căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị mình để tổ chức. Các hoạt động đều hướng đến mục tiêu đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, chăm lo cho người lao động về việc làm và thu nhập, từ đó tạo nên sự quan tâm của cả xã hội, nhất là hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, đóng góp của giai cấp công nhân trong bối cảnh mới. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, một trong những nội dung được các cấp công đoàn chú trọng trong thời điểm này là tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tổ chức gặp gỡ, đối thoại để giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của công nhân, nhất là những khó khăn được dồn nén từ nhiều năm.
Trong buổi đối thoại gần đây nhất của lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội với công nhân, lao động Thủ đô, hàng trăm kiến nghị liên quan trực tiếp đến người lao động như vấn đề nhà ở, thu nhập, chế độ bảo hiểm… đã được nêu lên. Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, lãnh đạo thành phố khẳng định những nguyện vọng chính đáng của công nhân sẽ được từng bước giải quyết hướng tới mục tiêu chung của thành phố, đó là bên cạnh doanh nghiệp ổn định sản xuất, phúc lợi của người lao động ngày càng tốt hơn.
Khẳng định, thương lượng, đối thoại là rất quan trọng trong quan hệ lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, ngay trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Liên đoàn Lao động Hà Nội đã ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, tăng cường các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp và chế xuất, cần tăng cường chủ động kết nối giữa công đoàn cấp trên cơ sở với các chủ tịch công đoàn qua mạng Zalo hoặc thiết lập các hình thức kết nối phù hợp để nắm bắt, chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình tâm tư, nguyện vọng, chế độ chính sách đối với người lao động để kịp thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng có giải pháp xử lý hiệu quả ngay khi có tranh chấp lao động xảy ra.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam cho rằng, đối thoại xã hội đề cập đến tất cả loại hình thương thuyết, tham vấn và trao đổi thông tin giữa đại diện người lao động, giới chủ và Chính phủ cũng như các chủ thể liên quan về các vấn đề quan ngại chung. Theo Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, đối thoại xã hội từ lâu đã là một công cụ rất đắc lực và được ghi nhận rõ ràng trong lĩnh vực an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, thời gian gần đây, chất lượng đối thoại tiếp tục được nâng cao, nhiều nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật cho người lao động. Việc nâng cao chất lượng thương lượng ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được các cấp công đoàn chú trọng với độ bao phủ rộng hơn, chất lượng tốt hơn.
Việc đại diện ký kết Thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn đạt kết quả bước đầu. Nửa nhiệm kỳ vừa qua, đã ký mới hơn 6.000 bản Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, gấp 4,6 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XI, nâng lên gần 35 nghìn tổng số thỏa ước đã ký kết. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng quy trình và hướng dẫn công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ký kết 10 bản Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp, với sự tham gia của 106 doanh nghiệp, tổng số gần 54 nghìn lao động được hưởng lợi.
“Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp theo quy định mới của Bộ luật Lao động, là tiền đề cho các thỏa ước doanh nghiệp và thỏa ước ngành thực chất hơn trong thời gian tới”, ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.
Theo ĐỖ BÌNH (TTXVN)