Tháo gỡ khó khăn cho cơ sở y tế An Giang

12/04/2023 - 06:55

 - Hơn 1 tháng (từ ngày 22 - 28/3), đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh An Giang, cùng sự tham gia của Ban Kinh tế - Ngân sách, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh... tiến hành khảo sát tại 3 trạm y tế, 3 trung tâm y tế và 1 bệnh viện. Qua đó, nắm sâu tình hình hoạt động của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, về nguồn nhân lực, chế độ chính sách hiện hành, trang thiết bị y tế, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với tuyến y tế cơ sở…

Theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh An Giang, từ khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đoàn công tác nhận thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, trang bị cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và phù hợp với nguồn nhân lực hiện có, nhờ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất từ nguồn sự nghiệp đơn vị (tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng); 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (trong đó, tỷ lệ trạm y tế xã có biên chế bác sĩ là 77,6%); 100% trạm y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; 100% ấp, khóm có nhân viên y tế hoạt động; 98,7% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Danh mục thuốc, kỹ thuật, thủ thuật cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Một điểm nổi bật là công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, khi các đơn vị chủ động phối hợp trường đại học trong nước đào tạo cán bộ y tế. Nhờ vậy, từng bước bổ sung, hoàn chỉnh cơ cấu cán bộ phù hợp, phát triển y tế chuyên sâu tại tuyến tỉnh, y tế phổ cập tại tuyến y tế cơ sở; giữa lĩnh vực dự phòng và khám, chữa bệnh (KCB), y học cổ truyền và y học hiện đại.

Đoàn khảo sát làm việc tại huyện Tịnh Biên

Nhìn chung, đa số đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc tại cơ sở y tế tâm huyết, trách nhiệm, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ. Vì thế, công tác KCB được đảm bảo, triển khai nhiều kỹ thuật mới trong khám và điều trị; hệ thống y tế dự phòng hoạt động chủ động, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; các chương trình mục tiêu y tế - dân số được duy trì… Những kết quả đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại địa phương.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động của các cơ sở y tế (nhất là y tế cơ sở) vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhưng chưa được các cấp, ngành xem xét giải quyết kịp thời. Khó khăn nhất là về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Một số trạm y tế xây dựng lâu năm, hạ tầng xuống cấp, thiếu diện tích để mở rộng.

Điển hình như huyện Tịnh Biên còn 4 trạm y tế được xây dựng từ trước năm 1998. Trung tâm Y tế huyện An Phú thiếu diện tích để mở rộng, một số trạm y tế đã xuống cấp, cần duy tu, sửa chữa. Trung tâm Y tế TX. Tân Châu không đảm bảo diện tích để mở rộng; 7 trạm y tế có nhu cầu xây dựng mới và sửa chữa…

Ngoài ra, trang thiết bị y tế thiếu hoặc hư hỏng nhưng chậm sửa chữa, mua mới. Việc triển khai, phát triển các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật mới, kỹ thuật tiên tiến còn  hạn chế. Có lúc, có nơi bệnh viện quá tải, không đủ giường cho bệnh nhân điều trị nội trú…

Về nhân lực, tại huyện An Phú, tỷ lệ bác sĩ có trình độ sau đại học thấp; TX. Tân Châu thiếu bác sĩ ở 7/14 trạm y tế; huyện Tịnh Biên thiếu bác sĩ 9/14 trạm y tế. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu thiếu bác sĩ, điều dưỡng ở một số chuyên khoa, như: Tâm thần, phục hồi chức năng, dinh dưỡng…

Băn khoăn nhất là sự dịch chuyển cán bộ y tế có trình độ sau đại học ra hoạt động ở cơ sở y tế tư nhân đang có chiều hướng tăng, nhất là sau dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2022 có 439 người, trong đó 110 bác sĩ (chiếm 25%) và 193 điều dưỡng, y sĩ. Trong khi đó, bác sĩ mới ra trường, không phân công về trạm y tế được, do chưa có chứng chỉ hành nghề, không ký được hồ sơ KCB (phải thực hành KCB 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề).

Về tài chính, theo Điều 24 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế: “Lấy chi phí của năm trước, nhân với hệ số K để ra mức thanh toán cho năm sau”. Phần chi phí vượt mức so với năm trước buộc bệnh viện giải trình quá chi tiết, mất rất nhiều thời gian và công sức. Khi không đáp ứng được yêu cầu thì bị “treo”, dẫn đến tình trạng An Giang bị “treo” gần 160 tỷ đồng, ảnh hưởng đến việc cân đối thu chi, làm tăng thời gian giải quyết công nợ thuốc, vật tư y tế của cơ sở y tế, chậm trả công khám cho y, bác sĩ trạm y tế.

Từ kết quả khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh An Giang đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề đối với cơ sở y tế, trung tâm y tế, bệnh viện. Riêng đối với Sở Y tế, đề nghị nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế khóm thuộc các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; khảo sát thực trạng cơ sở vật chất của các trạm y tế để xây dựng kế hoạch phân kỳ duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất theo thứ tự ưu tiên; phối hợp Sở Nội vụ tổ chức thi tuyển viên chức cho cơ sở y tế.

“Điều 32, Luật Bảo hiểm y tế quy định Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ quyết toán cho bệnh viện theo quý, theo hồ sơ chứng từ, khối lượng hợp lệ, nhưng Điều 24 Nghị định 146/2018/NĐ-CP lại có thêm quy định khác. Do đó, đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP theo hướng thẩm định, quyết toán theo hình thức thực thanh, thực chi; thu, chi theo đúng niên độ tài chính để việc quản lý nguồn thu, chi tại các đơn vị chủ động hơn” - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh An Giang Lê Tuấn Khanh đề nghị.

VẠN LỘC