Tháo gỡ nguồn cát cho cao tốc

28/11/2023 - 06:23

 - Áp lực nguồn cát đắp nền cho các tuyến cao tốc ở ĐBSCL rất lớn, trong khi các mỏ cát sông khó đáp ứng đủ. Cần có cơ chế, chính sách mới để tăng nguồn cung cấp cát, trong đó có cơ chế tận dụng nguồn cát từ các dự án nạo vét thông luồng, chỉnh trị dòng chảy trên sông Tiền, sông Hậu.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu từ điểm cầu An Giang tại Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải

Ưu tiên cho công trình trọng điểm

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) đã chủ trì Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến toàn quốc. Trong đó, nguồn cát cho các công trình cao tốc trục ngang, trục dọc ở ĐBSCL tiếp tục là “điểm nóng”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đối với đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và cao tốc Hậu Giang - Cà Mau (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025), các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cát đắp nền được 16,9 triệu m3 (nhu cầu 19 triệu m3). Trong đó, đã và đang khai thác 3,63 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục 13 mỏ cát với trữ lượng 13,27 triệu m3. Qua làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, các tỉnh cam kết hoàn thành thủ tục cấp mỏ trong năm 2023, nhưng vẫn còn 2,1 triệu m3 chưa xác định được nguồn cung cấp, trong khi tiến độ khai thác các mỏ hiện nay rất thấp (mới đạt khoảng 8.000m3/ngày, so nhu cầu 70.000m3/ngày).

Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ sử dụng nguồn cát từ An Giang. Đến nay, An Giang đã xác định được nguồn khai thác 7,5 triệu m3 cho 2 địa phương này (đáp ứng 55% nhu cầu). Tỉnh An Giang và tỉnh Sóc Trăng đã xác định đủ nguồn cung vật liệu, đang hoàn thiện thủ tục khai thác.

Đến nay, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017 - 2020) đang được đẩy nhanh thi công “3 ca 4 kíp”, phấn đấu hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trước ngày 31/12/2023; hoàn thành đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo năm 2024. Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2025), sau khi các mỏ cát được đưa vào khai thác, tiến độ thi công đạt gần 15% giá trị hợp đồng (14.721/98.372 tỷ đồng); giá trị giải ngân năm 2023 đạt 75% (34.678/46.186 tỷ đồng). Tuy nhiên, tiến độ thi công vẫn còn chậm do thiếu cát.

Đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang của Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng đang cần cát

Cần cơ chế đột phá

Tại Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, chủ đầu tư “nhắc” đến An Giang như một địa phương có nhiều mỏ cát sông, nhưng tiến độ cung ứng cho các tuyến cao tốc vùng ĐBSCL còn chậm.

Giải trình các ý kiến này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trên thực tế, tỉnh đã rất nỗ lực hỗ trợ nguồn cát cho các công trình trọng điểm quốc gia trong khu vực.

“An Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai các bước thực hiện theo cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, giao mỏ cho nhà thầu thi công để phục vụ cho dự án cao tốc ở ĐBSCL. Đến nay, tỉnh đã tranh thủ các nguồn cát để phân bổ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đủ 7 triệu m3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ cho Dự án thành phần 2 (đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ) và Dự án thành phần 3 (đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang), thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 7,5 triệu m3 cát. Trước đó, đã phân bổ cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 800.000m3 cát” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Các mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang tăng cường khai thác, đáp ứng các công trình trọng điểm

Tuy nhiên, ngoài chia sẻ cho các tỉnh thì các công trình trọng điểm trên địa bàn An Giang cũng cần khoảng 10 triệu m3 cát. Riêng đối với đoạn qua tỉnh An Giang của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), cần hơn 9,32 triệu m3 cát nhằm đảm bảo “cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027” theo Nghị quyết 91/NQ-CP, ngày 25/7/2022 của Chính phủ. Tuy nhiên, qua rà soát các mỏ có khả năng cung cấp, vẫn còn thiếu khoảng 2 triệu m3 cho đoạn cao tốc qua An Giang. “Theo tính toán nhu cầu cát cho các tuyến cao tốc vùng ĐBSCL giai đoạn 2024 - 2026, cần thêm khoảng 35 triệu m3, quá sức khai thác các mỏ cát sông hiện nay” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

Nhằm đảm bảo tiến độ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn An Giang, tỉnh cần huy động khoảng 2 triệu m3 cát thu hồi từ 2 dự án nạo vét thông luồng đảm bảo giao thông thủy trên nhánh sông Tiền (khu vực Cù lao Tây, giáp ranh huyện Chợ Mới - tỉnh An Giang và huyện Thanh Bình - tỉnh Đồng Tháp; rạch cù lao Giêng, huyện Chợ Mới). Do vậy, UBND tỉnh An Giang đề nghị Bộ GTVT sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi, thay thế Nghị định 159/2018/NĐ-CP, ngày 28/11/2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, tạo cơ sở pháp lý để tỉnh triển khai thực hiện 2 dự án nạo vét thông luồng, đảm bảo đủ nguồn cát cho cao tốc.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cũng kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đưa các đoạn sông đủ điều kiện vào Danh mục các đoạn sông nạo vét thông luồng giao thông thủy, tiến hành triển khai nạo vét, thu hồi khoáng sản để chia sẻ bớt khó khăn về nguồn vật liệu cát phục vụ cho các công trình trọng điểm hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, các công trình, dự án trọng điểm GTVT có ý nghĩa đặc biệt trong chiến lược phát triển của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Đối với các khó khăn, vướng mắc, các bộ, ngành, địa phương phải ngồi lại với nhau để cùng giải quyết, “không được cứ gửi văn bản rồi ngồi chờ, thiếu tính chủ động, làm mất nhiều thời gian”.

NGÔ CHUẨN