Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp ôtô

21/05/2018 - 19:44

Đoàn công tác liên ngành vừa gửi Văn phòng Chính phủ kết quả làm việc với 17 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ôtô về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP từ đầu năm đến nay.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP, đoàn công tác liên ngành gồm các Bộ Giao thông Vận tải, Công Thương và Bộ Tài chính đã làm việc với 17 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất ôtô; trong đó tập trung vào giải đáp, tư vấn tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. 

Theo văn bản tổng hợp của đoàn công tác liên ngành, các doanh nghiệp có ý kiến sau thời gian thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định, doanh nghiệp đang gặp một số vướng mắc mà các bộ ngành đang tích cực hỗ trợ tháo gỡ. 

Xe ôtô thành phẩm tại Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai-Trường Hải, Quảng Nam. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Tuy nhiên, ngày 22/3/2018, các doanh nghiệp lại nhận được văn bản số 2601/VPCP-CN ngày 22/3/2018 của Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để quản lý chất lượng đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu. 

Do đó, các doanh nghiệp tỏ ra quan ngại việc định hướng chính sách sắp tới của Việt Nam tiếp tục thay đổi sẽ gây ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của họ. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần duy trì ổn định chính sách lâu dài để doanh nghiệp yên tâm đầu tư ở Việt Nam. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ khi ban hành chính sách mới, không nên hồi tố đối với các yêu cầu đã đáp ứng các quy định trước ngày có hiệu lực của Nghị định 116 và chính sách khi ban hành cần có lộ trình đủ dài để các doanh nghiệp chuẩn bị, đáp ứng. 

Liên quan đến nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, đối với các xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia, doanh nghiệp có thể được cấp “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo về môi trường," nhưng với các xe nhập khẩu từ Nhật Bản, doanh nghiệp không thể có được do Chính phủ Nhật Bản không cấp cho xe xuất khẩu. Doanh nghiệp kiến nghị cho phép sử dụng báo cáo thử nghiệm của cơ sở sản xuất xe. 

Với các loại xe nhập khẩu từ châu Âu có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo về môi trường (VTA), doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng xem xét chấp nhận VTA này để làm thủ tục nhập khẩu xe về Việt Nam. Lý do là châu Âu áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 6 cao hơn Việt Nam. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng việc kiểm tra, thử nghiệm cho từng lô xe nhập khẩu kéo dài thời gian, tốn kém chi phí (nhất là thử nghiệm khí thải) và không công bằng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất lắp ráp trong nước. 

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị xem xét mở rộng khái niệm lô hàng để giảm số lượng mẫu phải kiểm tra thử nghiệm. 

Đồng thời cho phép sử dụng kết quả thử nghiệm khí thải trong thời gian 6 tháng thay vì từng lô như hiện nay; xem xét đầu tư thêm cơ sở thử nghiệm khí thải ở khu vực phía Nam và đầu tư thiết bị thử nghiệm xe dẫn động bốn bánh toàn thời gian (4x4 full time) để rút ngắn thời gian thử nghiệm. 

Về thủ tục thông quan hàng hóa, doanh nghiệp cho rằng việc kiểm tra, thử nghiệm sẽ kéo dài thời gian thông quan lô hàng quá 30 ngày kể từ ngày mở tờ khai, do đó, đề nghị Cơ quan Hải quan không tiến hành xử phạt, không chuyển luồng đỏ khi thực hiện thủ tục hải quan. 

Ngoài ra, việc tải dữ liệu lên Cổng Thông tin một cửa quốc gia gặp nhiều khó khăn do bị giới hạn về dung lượng của tài liệu hồ sơ điện tử tải lên. Khi nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận nên hướng dẫn doanh nghiệp một lần, tránh trường hợp hướng dẫn thành nhiều lần mới hoàn thiện làm cho thời gian hoàn tất hồ sơ bị kéo dài. 

Liên quan đến sản xuất, lắp ráp xe trong nước, doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục thừa nhận giấy chứng nhận linh kiện đã cấp theo quy định ECE - Ủy ban Kinh tế châu Âu mà không cần phải thử nghiệm, chứng nhận tại Việt Nam như yêu cầu trong Nghị định 116. 

Cùng với đó, việc đầu tư đường thử theo quy định mới tốn nhiều thời gian và chi phí bởi hiện nay tất cả các nhà sản xuất đã đầu tư đường thử đáp ứng quy định trước Nghị định 116 nên đề xuất không hồi tố quy định này. Hơn nữa, các loại xe khác nhau (ôtô con, khách, tải) quy định đường thử cũng khác nhau, không nên quy định chung tất cả như trong Nghị định 116... 

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Đoàn công tác đã trực tiếp giải đáp, trả lời 74/85 vấn đề, các vấn đề còn lại đoàn sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, tháo gỡ đối với từng trường hợp cụ thể. 

Riêng về quản lý chất lượng ôtô nhập khẩu, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thống nhất thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp việc chấp nhận một số thay đổi của kiểu loại xe thực tế nhập khẩu so với VTA, nếu sự thay đổi này không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy chuẩn hiện hành của Việt Nam đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét mở rộng dung lượng trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia để thuận lợi hơn cho việc tải dữ liệu hồ sơ. 

Liên quan đến ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, Đoàn công tác đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn việc thực hiện quy định về đường thử gửi các doanh nghiệp để thống nhất cách hiểu. 

Đồng thời đoàn công tác kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ đối với doanh nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng đường thử nhưng chưa kịp hoàn thành trước thời hạn tháng 4/2019 theo thời hạn của Nghị định 116. Những trường hợp này doanh nghiệp cần phải cam kết cụ thể thời gian hoàn thành và báo cáo Chính phủ./.

Theo VĂN XUYÊN (Vietnam+)