Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

23/10/2021 - 14:14

 - Sáng 23-10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV bước sang ngày làm việc thứ 4, do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành. Tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) An Giang, ngoài 5 vị ĐBQH, còn có sự tham dự của đại diện sở ngành có liên quan.

Quang cảnh thảo luận tổ Đoàn ĐBQH An Giang sáng 23-10

Trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa,-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Quốc hội dành thời gian cho các Đoàn ĐBQH thảo luận tại tổ. Các vị ĐBQH tỉnh An Giang bày tỏ nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp cho 2 dự án Luật nói trên.

Bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng đoàn ĐBQH An Giang

Việc hoàn thiện dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng; tiếp tục đổi mới công tác này, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn trong thời gian tới. Tôi đồng tình rất cao với những quan điểm, nội dung xuyên suốt dự án Luật đã đề cập. Đó là công tác thi đua cần gắn với khen thưởng; thi đua là cơ sở để khen thưởng; khen thưởng tạo động lực để thúc đẩy phong trào thi đua.

Liên quan đến đối tượng và hình thức khen thưởng, tôi thống nhất quan điểm cần quan tâm đối tượng là tập thể nhỏ, lao động trực tiếp (công nhân, nông dân, người lao động) ngoài khu vực nhà nước. Đây là nét mới, được điều chỉnh rất phù hợp, cần thiết. Vấn đề quan trọng là phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo không bỏ sót đối tượng.

Cần quy định rõ hơn về hồ sơ, thủ tục, hình thức khen thưởng, tiến trình lập hồ sơ, nhất là ở nhóm đối tượng ngoài khu vực nhà nước. Từ đó đảm bảo công tác thi đua, khen thưởng được nghiêm túc, thuận lợi; các đối tượng này dễ dàng tiếp cận hơn đối với các hình thức thi đua, khen thưởng.

Bên cạnh những kết quả rõ nét đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn hạn chế nhất định. Chẳng hạn như một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng chưa rõ ràng, chưa cụ thể và thiếu định lượng. Có những tiêu chuẩn mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự sắp xếp từ thấp đến cao, bị gián đoạn phải làm lại từ đầu... Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh, tránh làm giảm tính phấn đấu của người lao động, không khuyến khích sự nỗ lực từng cá nhân. Đề nghị cần rà soát, lượng hóa tối đa tiêu chuẩn khen thưởng, đảm bảo chính xác, kịp thời.

ĐBQH Phan Huỳnh Sơn

Điều 2 dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định đối tượng áp dụng là “gia đình Việt Nam”, nhưng Điều 3 chưa giải thích thế nào là “gia đình Việt Nam”. Thực tiễn cho thấy xuất hiện gia đình “đa quốc tịch”, người Việt Nam lập gia đình với người nước ngoài, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Tôi đề xuất, Điều 3 cần bổ sung giải thích về “gia đình Việt Nam” theo hướng “bao gồm các công dân đang thường trú hoặc đang sinh sống ở Việt Nam...” tính đến thời điểm xét thi đua, khen thưởng.

Khoản 2 Điều 9 quy định đăng ký tham gia thi đua, tôi có một số băn khoăn. Chúng ta đều có phát động phong trào thi đua, với đối tượng điều chỉnh, nội dung, thời gian thi đua... cụ thể, để công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng kịp thời đối tượng tiêu biểu. Như vậy, quy định yêu cầu đăng ký thi đua trong cán bộ, công chức làm căn cứ xét thi đua hiện hành liệu có cần thiết nữa không, có mang tính chất hình thức không? Tôi đề nghị nên nghiên cứu lại vấn đề này.

Khoản 2 Điều 10 về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích cũng cần xem xét kỹ. Rất khó để xác định chính xác vấn đề này, không ai kiểm đếm được. Có những thành tích sau một thời gian mới lan tỏa, mới thẩm thấu trong đời sống xã hội, từ xã, huyện, tỉnh dần dần đến toàn quốc. Nhưng nếu đợi đến toàn quốc mới khen thưởng thì không còn kịp thời nữa. Tôi đề xuất nên bỏ quy định này.

ĐBQH Chau Chắc

Về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Bản thân tôi thống nhất với ý kiến thứ 2, đó là đề nghị không quy định hình thức khen thưởng này vào trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Nếu muốn đưa vào, cần đánh giá tác động đầy đủ, bao gồm tính khả thi trong triển khai thực hiện. Do đó, thống nhất theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động để thống nhất phương án trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, tôi tán thành việc Chính phủ bổ sung vào dự thảo Luật quy định nhà nước tiếp tục xem xét và thực hiện việc khen thưởng, tổng kết thành tích kháng chiến (bao gồm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ biên giới Tây Nam, hải đảo xa và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, Lào...) cho cá nhân, tập thể, gia đình, địa phương và cơ sở có công lao, thành tích, đảm bảo không để sót trường hợp nào.

Ông Trình Lam Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH An Giang

Luật Điện ảnh hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, chưa theo kịp với diễn biến thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là những đòi hỏi, sự tương thích về mặt luật pháp trong quá trình hội nhập quốc tế, sự bùng nổ khoa học, công nghệ, sự phổ biến của Internet... Do đó, việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) là cần thiết.

Tại Điều 5 của dự án luật, nhà nước đầu tư xây dựng trường quay hiện đại với công nghệ cao là rất cần thiết, tạo điều kiện cho các thành phần, doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan nghệ thuật, điện ảnh được bình đẳng, cạnh tranh tạo ra sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao, đủ sức thi đấu với các tác phẩm điện ảnh của khu vực, thế giới. Đồng thời, tôi thống nhất gắn việc phát triển phim trường với phát triển du lịch (hiệu quả được chứng minh qua phim “Kong: Đảo Đầu Lâu” gắn với phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình; “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ở tỉnh Phú Yên), góp phần lan tỏa văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Điều 7 quy định về đào tạo nguồn nhân lực, đây là nội dung mới, khắc phục thiếu sót của luật hiện hành. Qua đó, nâng cao nhân lực của Việt Nam trong xây dựng kịch bản, hiệu ứng, diễn xuất, hậu kỳ, công nghệ... Việc đào tạo là rất cần thiết, nhằm hội nhập sâu với thế giới, lột tả được mục tiêu mà tác phẩm muốn hướng tới.

ĐBQH Nguyễn Văn Thạnh

Về quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim, quy định tại Điều 9, 10, 14, 17 của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), còn một số vấn đề chung chung. Đề nghị cân nhắc, bổ sung đầy đủ, nhằm giúp các chủ thể triển khai, thực hiện dễ hơn.

Về Điều 16 (xuất khẩu, nhập khẩu phim), cần quy định rõ việc kiểm duyệt, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình trao đổi, mua bán, sao in phim vào Điểm b, Khoản 1.

Dự án Luật quy định việc phổ biến phim trên các phương tiện khác nhau, nhưng chưa có sự phân định về điều kiện đầu tư kinh doanh, chức năng quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông và sở hữu trí tuệ. Đề nghị cân nhắc quy định theo hướng thống nhất quản lý để phổ biến phim theo những tiêu chí chung, nhất là quy định chi tiết nội dung cấm, nội dung bị hạn chế.

Trong kinh doanh dịch vụ phổ biến phim, cần quy định cụ thể điều kiện cần và đủ, thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, trình tự thủ tục để thực hiện. Về cấp giấy phép phân loại phim, cần quy định rõ thẩm quyền cấp giấy giữa các cấp, ngành. Chẳng hạn như giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND cấp tỉnh.

Tin, ảnh: GIA KHÁNH