Hội Doanh nhân trẻ tỉnh An Giang tặng quà tri ân TS Mai Hữu Tín
Sức hút doanh nhân thành đạt
Mới đây, chương trình “Trò chuyện với doanh nhân” năm 2023 do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh An Giang tổ chức, không chỉ thu hút cộng đồng doanh nhân, các bạn trẻ khởi nghiệp ở An Giang mà còn đến từ nhiều địa phương khác, như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An, Bình Phước…
Chương trình có sức hút bởi diễn giả tham gia là TS Mai Hữu Tín, một người nổi tiếng trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Ông là người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư U&I suốt 25 năm qua (U&I là từ viết tắt của cụm từ “bạn và tôi” trong tiếng Anh), với niềm tin khi cùng làm việc với nhau, người Việt Nam vẫn có thể kinh doanh giỏi. Đến nay, U&I Group phát triển thành công ty đa ngành, với 63 công ty thành viên, tổng nhân lực trên 20.000 người, hoạt động trong các lĩnh vực: Bất động sản, xây dựng, logistics, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, truyền thông, công nghiệp…
Trong giới doanh nhân, TS Mai Hữu Tín nổi tiếng là một người tự học, đổi mới và sáng tạo (học cao học quản trị kinh doanh tại Bỉ, hoàn thành luận án tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Hoa Kỳ năm 2004), hiện là thành viên Ban Nghiên cứu phát triển tư nhân của Thủ tướng Chính phủ. Ông còn là người có đóng góp đặc biệt cho Vovinam và quảng bá môn võ cổ truyền của Việt Nam ra khắp thế giới.
TS Mai Hữu Tín hiện là Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam; từng là đại biểu Quốc hội ngoài Đảng trong 2 nhiệm kỳ (từ 2007 - 2016); Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (2009 - 2019), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa V (2011 - 2014); Chủ tịch phân hội Việt Nam của Tổ chức Chủ tịch trẻ thế giới (2016 - 2018)…
Rất đông doanh nhân, các bạn trẻ đến Chương trình “Trò chuyện với doanh nhân” năm 2023 đều có chung một thắc mắc: Với ông chủ của một tập đoàn có 63 công ty thành viên, lại đảm nhận nhiều vai trò xã hội, thì làm sao TS Mai Hữu Tín có đủ thời gian cho công việc, gia đình, nhu cầu của bản thân? “Bí quyết” là gì?
Không chạy theo lợi ích cá nhân
“Bí quyết” của TS Mai Hữu Tín là hãy rèn luyện trở thành một lãnh đạo sáng tạo, thay vì chỉ là một lãnh đạo phản ứng, bởi lãnh đạo sáng tạo được tán thành nhiều hơn gấp 6 lần lãnh đạo phản ứng.
Đó là lãnh đạo có tầm nhìn với mục đích rõ ràng, đề ra mục tiêu và lộ trình đạt được của từng mục tiêu cụ thể; xây dựng kế hoạch kinh doanh hàng năm mang tính chiến lược để tạo động lực cho tổ chức. “Nếu chỉ lo làm giàu cho bản thân, không phụng sự xã hội thì không thể lôi kéo được người giỏi về với mình. Người lãnh đạo DN phải nghĩ đến những điều thú vị cho cuộc đời, nếu chỉ đặt mục tiêu kiếm tiền thì dễ mất động lực khi có nhiều tiền” - ông Tín nói thẳng.
Bản thân TS Mai Hữu Tín chứng minh được điều đó khi góp sức đưa Vovinam có mặt ở hơn 70 quốc gia, với trên 1 triệu người tập, hiện đứng thứ 5 trong số các môn võ trên thế giới về số môn sinh tham gia, cạnh tranh công bằng với môn võ Muay Thái. “Chúng ta có quyền tự hào về Vovinam, môn võ giúp tạo “sức mạnh mềm” của Việt Nam thông qua học võ Việt Nam” - ông Tín nhấn mạnh. Đồng thời, lưu ý doanh nhân, lãnh đạo phải chăm lo sức khỏe, mỗi ngày bỏ ra ít nhất 1 giờ để luyện tập thể dục - thể thao.
Biết tin tưởng và lắng nghe
Trước câu hỏi “Làm sao để thu hút và giữ chân nhân tài?”, TS Mai Hữu Tín đặt lại vấn đề: “Doanh nhân thường thích làm toán cộng, ít làm toán trừ và hiếm khi làm toán chia. Nếu lãnh đạo biết chia sẻ lợi ích với nhân viên, cho họ làm cổ đông, được hưởng cổ tức, chia lợi nhuận, để họ thấy mình là một phần của DN, được tôn trọng thì sẽ gắn bó lâu dài”.
Có doanh nhân đặt câu hỏi: “Làm sao có đủ thời gian để quản lý nhiều công ty và xử lý nhiều việc khác?”, TS Mai Hữu Tín chia sẻ: “Phải chọn đúng người giao việc, phân cấp quyền rõ ràng và tin tưởng cấp dưới, không làm thay, không can thiệp vào công việc hàng ngày của họ. Ví dụ như với khách quan chức, khách hàng doanh số bao nhiêu thì phân rõ cấp quản lý nào tiếp. Người lãnh đạo phải kiên quyết nói không với những việc không phải của mình, từ đó mới có thời gian, không gian riêng để nhìn bức tranh lớn hơn, suy nghĩ sáng tạo hơn”.
Tham dự chương trình, bạn Kim Ngọc (sinh viên năm 3, Trường Đại học An Giang) đặt câu hỏi về bài toán nguồn vốn cho ý tưởng khởi nghiệp, TS Mai Hữu Tín thẳng thắn: “Từng tham gia thẩm định nhiều dự án khởi nghiệp, tôi thấy nhiều bạn trẻ quá quý ý tưởng của mình, trong khi chỉ có 5% ý tưởng thành công. Đối với một dự án khởi nghiệp, 50% thành công là khả năng thực thi; trong 50% còn lại, yếu tố con người chiếm 20%, vốn chỉ chiếm 15%, còn 15% là khâu chuẩn bị của bản thân (gồm cả ý tưởng).
Mỗi tuần, tôi đọc 50 hồ sơ về dự án khởi nghiệp, nhưng mỗi năm chỉ chọn được khoảng 5 hồ sơ để đầu tư vốn. Các bạn phải viết được tầm nhìn cuối cùng của ý tưởng là gì, đang có cái gì và còn thiếu cái gì, phải viết rõ kế hoạch kinh doanh thì mới gọi được vốn. Tôi khẳng định, vốn đầu tư khởi nghiệp không thiếu, cái thiếu là ý tưởng khả thi, đội ngũ giỏi và quyết tâm hành động với chiến lược rõ ràng”.
Theo doanh nhân - TS Mai Hữu Tín, các kỹ năng quan trọng cần có của một lãnh đạo sáng tạo là: Kỹ năng con người mạnh; có tầm nhìn; có tinh thần đồng đội; thân thiện và dễ gần; lãnh đạo bằng cách làm gương (nói được làm được); đam mê và nghị lực; biết lắng nghe; phát triển con người; trao quyền cho nhân viên; có thái độ tích cực; truyền cảm hứng; tạo yên bình; người chính trực; lãnh đạo với tinh thần phụng sự. |
NGÔ CHUẨN