Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 29/1, virus corona chủng mới tiếp tục tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây mầm bệnh cho gần 102 triệu người và cướp·đi sinh mạng của gần 2,2 triệu người khác.
Nguy cơ lây lan đáng sợ của các biến thể virus mới
Tiếp tục đứng đầu danh sách về số nạn nhân do đại dịch, Mỹ trải qua ngày chết chóc khi ghi nhận thêm 3.350 ca vào danh sách tử vong 443.000 người. Nước này cũng bổ sung 139.500 trường hợp nhiễm mới, nâng số ca dương tính với Covid-19 lên trên 26,3 triệu.
Brazil và Anh đều có số người chết vì Covid-19 trong 24 giờ qua ở mức trên 1.000 người và có thêm hàng chục nghìn ca bệnh mới.
Nguy cơ lây lan đáng sợ của các biến thể virus mới
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến thể mới của virus SARS-Cov-2 từ Anh đã lan ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn biến thể từ Nam Phi lan sang 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Trước tình trạng này, nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét khả năng đóng cửa biên giới. Ở khối này, trong số 23 quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus trên 3% dân số, 7 quốc gia bao gồm Pháp, Đức, Ireland, Malta, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Tây Ban Nha có dấu hiệu tăng mạnh số ca nhiễm mới.
Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu đã nâng mức độ nghiêm trọng do nguy cơ lây lan cộng đồng của các biến thể mới ở EU lên mức rất cao. Khối cũng tăng cường các quy định nghiêm ngặt về đi lại.
Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge kêu gọi người dân nơi này cần kiên nhẫn vì chiến dịch tiêm chủng cần có thời gian, và việc đóng - mở cửa lại kinh tế quá nhanh là một chiến lược kém hiệu quả trong ngăn chặn dịch bệnh.
Chuyên gia Mỹ khuyến nghị về khẩu trang
Các chuyên gia y tế cộng đồng tại Mỹ khuyến nghị người dân nước này nâng cấp khẩu trang, hạn chế sử dụng các mẫu khẩu trang và đồ che mặt bằng vải đơn giản được sử dụng phổ biến trong thời gian vừa qua.
Một trong những thay đổi đơn giản nhất mà người dân có thể làm là phủ thêm một lớp khẩu trang mới, hoặc tốt hơn là một khẩu trang y tế bên trong kèm một khẩu trang sợi hoạt tính.
Một số chuyên gia thậm chí cho rằng đã đến lúc cung ứng khẩu trang chất lượng cao nhất như KN95 hoặc N95 ra thị trường. Đây cũng là hai mẫu khẩu trang mà lâu nay giới chức y tế Mỹ muốn giữ lại làm nguồn cung ứng dự trữ cho bác sĩ, nhân viên trên tuyến đầu chiến dịch.
Về khẩu trang phòng bệnh, Mỹ đi sau nhiều nước trên thế giới. Singapore và Hàn Quốc đã cấp khẩu trang sản xuất hàng loạt, chất lượng cao cho dân chúng. Gần đây, các nước châu Âu cũng đã bắt đầu áp dụng quy định đeo khẩu trang y tế bắt buộc tại các địa điểm công cộng sau khi biến thể virus mới từ Anh lây lan rộng.
Cảnh báo Covid-19 lây lan tại châu Phi
Giám đốc Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Liên minh châu Phi (AU) John Nkengasong cho biết, nhiều nước ở châu lục này đã bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Cụ thể, Maroc, Ai Cập, quần đảo Seychelles và Guinea đã bắt đầu tiêm vắc-xin của Trung Quốc. Ngoài 270 triệu liều đã có được trước đó, AU ký thỏa thuận với Viện Huyết thanh của Ấn Độ cung cấp 400 triệu liều do hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford bào chế.
Ông Nkengasong cảnh báo, Covid-19 sẽ tiếp tục lan rộng trong năm nay và năm sau, và AU hy vọng sẽ tiêm chủng ngừa cho khoảng 30-35% người dân châu Phi trong năm nay.
Hiện tại, châu Phi không bị dịch bệnh hoành hành nặng nề như nhiều khu vực, nhưng giới chuyên gia lo ngại khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, những khó khăn về hậu cần và "chủ nghĩa dân tộc vắc-xin" ở các nước phát triển có thể khiến châu Phi chịu thiệt thòi. Với tổng dân số 1,3 tỷ người, châu Phi ghi nhận khoảng 3,5 triệu ca nhiễm và 88.000 trường hợp tử vong.
Theo THANH HẢO (Vietnamnet)