Thế giới 2022: Năm ảm đạm của chứng khoán

30/12/2022 - 20:36

Trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2022, chứng khoán thế giới đa phần có xu hướng ổn định với những số liệu kinh tế từ Mỹ và việc Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi so sánh cả năm, chỉ số chứng khoán thế giới đang trên đà giảm 20% do chịu ảnh hưởng của lạm phát cao và những diễn biến căng thẳng tại châu Âu.

Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại diện của công ty quản lý đầu tư Global Customized Wealth, ông David Bizer nhận định những diễn biến trên thị trường chứng khoán năm qua chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các quyết sách của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Thị trường vẫn đang nỗ lực dự đoán thời điểm FED sẽ tăng lãi suất, tốc độ và mức độ tăng.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones đang trên đà giảm 8,5% trong cả năm, trong khi chỉ số S&P 500 có khả năng giảm 19%. Với mức giảm 0,5% trong ngày 30/12, chứng khoán châu Âu sẽ giảm 12% trong năm nay. Tại Anh, dù đã giảm 0,2% trong phiên giao dịch ngày 30/12, chỉ số FTSE 100 đang trên đà phục hồi với mức tăng hơn 1% trong cả năm. Chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản đã tăng 0,38% trong phiên giao dịch cùng ngày, nhưng có nguy cơ giảm 19% trong cả năm, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Theo hãng tin Kyodo, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm tổng cộng 9,4% trong cả năm 2022, là lần giảm đầu tiên trong 4 năm qua. Tại Trung Quốc, chỉ số CSI 300 đã tăng 0,4% trong ngày, nhưng lại giảm 22% trong năm 2022. Tương tự, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,2% trong phiên giao dịch cuối, nhưng cả năm lại giảm tới 16%.

Chỉ số đồng USD, vốn được hưởng lợi từ lãi suất tăng tại Mỹ, đang trên đà tăng lên mức cao nhất trong 7 năm. FED và các ngân hàng trung ương khác đang nỗ lực chống lạm phát trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị thiếu hụt, cuộc khủng hoảng năng lượng do đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine. Chỉ số đồng USD, dùng để đánh giá sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chính, đã giảm 0,16%. Xét theo cả năm, chỉ số đồng USD đã tăng hơn 8%. Tuy nhiên, chỉ riêng trong quý này, chỉ số đã mất 7% giá trị do thị trường trường tin rằng FED có thể sẽ không tăng lãi suất cao như dự báo.

Trong khi đó, tỷ giá đồng bảng Anh có nguy cơ giảm mạnh nhất kể từ năm 2016, thời điểm người dân nước này bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, đồng bảng Anh được giao dịch ở mức 1 bảng/1,263 USD, giảm 0,09% trong ngày và 11% trong cả năm 2022. Mặc dù tỷ giá đồng yen của Nhật Bản đã lên mức cao nhất trong 10 ngày là 131,72 yen/1 USD, song tính cả năm, con số này đã giảm tới 13%, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Đồng euro được giao dịch ổn định ở mức 1 euro/1,0669 và đang trên đà giảm 6% trong năm 2022.

Trái phiếu của Mỹ và Đức đã lần lượt mất 16% và 24% giá trị trong năm nay. Thời gian qua, các nhà đầu tư lo ngại rằng các nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm khống chế lạm phát có thể dẫn tới kinh tế tăng trưởng chậm lại. Người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược của ngân hàng Mizuho nhận định việc ngăn kinh tế đi xuống là một nhiệm vụ khó khăn, khi bất lợi đang nghiêng về những nền kinh tế chưa chịu ảnh hưởng từ việc siết chặt chính sách trên toàn cầu. Theo chuyên gia, bước sang năm 2023, lạm phát sẽ vẫn cần được kiểm soát và các nhà đầu tư sẽ lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang. 

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô của Mỹ trong ngày 30/12 tăng 0,54% lên 78,72 USD/thùng và giá dầu Brent tăng 0,49% lên 83,87 USD/thùng. Kết thúc năm 2022, giá dầu thô của Mỹ đang trên đà tăng 4,8%, con số khiêm tốn so với mức tăng 55% của năm ngoái. Tương tự, giá dầu Brent sẽ tăng tổng cộng 8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 50,2% trong năm 2021. Trong năm nay, giá vàng hầu như không biến động và đang được giao dịch ổn định ở mức 1.816 USD/ounce.

Theo Báo Tin Tức

 

Liên kết hữu ích