Thế giới có gần 22 triệu ca nhiễm, Ấn Độ là tâm dịch của châu Á

17/08/2020 - 08:40

Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 21.817.682 người, trong đó có 772.751 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX-TTXVN)

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8h sáng 17-8 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 21.817.682 người, trong đó có 772.751 ca tử vong.

Tổng cộng 14.553.191 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 64.485 và 6.427.223 ca đang điều trị tích cực.

Hiện Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, với 5.556.632 ca nhiễm và 173.128 ca tử vong.

Ấn Độ đang là tâm dịch của châu Á. Trong ngày 16-8, Ấn Độ ghi nhận thêm 58.108 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 2.647.316, trong đó có 51.045 ca tử vong.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết nước này sẽ đầu tư 1.460 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Modi cho biết bài học quan trọng mà Ấn Độ rút ra từ đại dịch là tự chủ trong sản xuất và phát triển để trở thành điểm đến chính trong chuỗi cung ứng mà các công ty quốc tế lựa chọn.

Theo Thủ tướng Modi, hiện có ba loại vắcxin đang trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau ở Ấn Độ và nước này có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt ngay khi những vắcxin này được thông qua.

Trong khi đó, tại châu Đại Dương, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 17-8 đã tuyên bố hoãn cuộc tổng tuyển cử ở nước này đến ngày 17-10 sau khi bùng phát COVID-19 ở thành phố Auckland.

Theo dự kiến ban đầu, cử tri New Zealand sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 19-9, tuy nhiên Thủ tướng Ardern đã quyết định hoãn cuộc bầu cử trước lời kêu gọi từ phe đối lập và Phó Thủ tướng Winston Peters. Thủ tướng Ardern khẳng định muốn đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp và các cử tri cảm thấy thoải mái và an toàn khi đi bỏ phiếu.

Trước đó, Thủ tướng Ardern cũng thông báo hoãn giải tán Quốc hội, vốn là động thái mở đường cho cuộc tổng tuyển cử, đến ngày 17-8, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nước này sau 102 ngày không phát sinh ca mắc mới.

The gioi co gan 22 trieu ca nhiem, An Do la tam dich cua chau A hinh anh 2

Nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19 tại Moskva, Nga. (Ảnh: YONHAP-TTXVN)

Tại châu Âu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh học Gamaley Nga - ông Alexander Gintsburg, cho biết người dân nước này có thể được tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 hàng loạt vào giữa tháng Chín.

Theo ông Gintsburg, việc tiêm chủng hàng loạt sẽ diễn ra chậm hơn dự kiến vì phần lớn vắcxin đã sản xuất ra sẽ được sử dụng cho nghiên cứu hậu tiếp thị. Sau đó, phần còn lại sẽ được đưa vào sử dụng dân sự. Thời gian chậm là từ 2-3 tuần, có thể là một tháng.

Dự kiến, từ tháng 12, mỗi tháng Nga có thể sản xuất từ 4-5 triệu liều vắcxin, để trong vòng từ 9-12 tháng có thể đảm bảo sản xuất đủ lượng vắcxin cần thiết cho cả nước.

Vắcxin đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19 do Trung tâm Gamaley phát triển và được đặt tên là Sputnik V. Vắcxin này được đăng ký lưu hành ngày 11-8 sau các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng. Vắcxin ngừa COVID-19 sử dụng hai chủng adenovirus làm vật trung gian truyền bệnh, chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người, song không thể nhân lên trong đó.

Trước đó, Trung tâm Gamaleya đã sử dụng công nghệ tương tự để bào chế ra các loại vắcxin phòng bệnh Ebola và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Thông tin tích cực về vắcxin ngừa COVID-19 được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Nga và một số nước khác có xu hướng tăng lên. Ngày 16-8, Nga ghi nhận thêm 4.969 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 922.853 ca, cao thứ tư trên thế giới.

Trung tâm ứng phó khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 của Nga cũng cho biết trong 24 giờ qua có thêm 68 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 15.685 ca. Số trường hợp bình phục được ghi nhận là 732.968 ca.

Tại châu Mỹ, người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada - bà Theresa Tam đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “đỉnh” của dịch bệnh COVID-19 có thể sẽ đến vào mùa Thu và gây khó khăn cho hệ thống chăm sóc y tế.

Canada được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến các đợt bùng lên, rồi lại lắng xuống của dịch bệnh và tình trạng này sẽ kéo dài đến năm 2022. Một kịch bản thứ hai cũng được bà Tam đề cập đến đó là tỷ lệ lây nhiễm sẽ tiếp tục ở mức thấp. Tuy nhiên, bà Tam cho rằng còn quá sớm để dự báo dịch bệnh tại Canada sẽ đi theo hướng nào.

Bà Tam nhấn mạnh rằng trong bối cảnh một số biện pháp hạn chế được nới lỏng (chẳng hạn như các trường học và doanh nghiệp mở cửa trở lại), các biện pháp khác cần được thắt chặt để phòng tránh lây nhiễm gia tăng. Việc nhanh chóng phát hiện và cách ly các ca nhiễm, tuân thủ giãn cách xã hội và áp dụng các biện bảo vệ trong cộng đồng là những nhân tố quan trọng nhất để hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Thống kê cho thấy kể từ giữa tháng Bảy tới nay, tỷ lệ nhiễm bệnh gia tăng trong nhóm người ở độ tuổi 20-39, trong bối cảnh nhiều ổ dịch liên quan đến các cuộc tụ tập ở trong nhà của thanh niên, những người không thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội. Hiện Canada đã có 122.087 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.026 ca tử vong.

Canada đã xét nghiệm COVID-19 cho 4.741.146 người. Trong tuần qua, tính trung bình mỗi ngày có 43.000 người được xét nghiệm, với tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 là 0,9%.

The gioi co gan 22 trieu ca nhiem, An Do la tam dich cua chau A hinh anh 3

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. (Ảnh: THX-TTXVN)

Tại Trung Đông, Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel Chezy Levy đã ký văn bản cho phép người đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập cảnh vào nước này mà không cần phải thực hiện cách ly.

Thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết tất cả các địa điểm này đều được đánh giá mức "xanh," tức là có tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở mức thấp.

Danh sách bao gồm Áo, Anh, Bungary, Canada, Croatia, Cyprus, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Gruzia, Đức, Hy Lạp, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Hungary, Italy, Jordan, Latvia, Lithuania, New Zealand và Slovenia.

Quy định mới này đã có hiệu lực, đồng nghĩa với việc các cá nhân đến từ một trong những địa điểm trên, nếu đang thực hiện thời gian cách ly 14 ngày, sẽ không phải thực hiện cách ly nữa. Tuy nhiên, quy định miễn trừ cách ly này chỉ có hiệu lực với các cá nhân chưa từng đến bất kỳ quốc gia nào khác ngoài những nước "xanh" nêu trên.

Hiện có 4 nước gồm Bulgaria, Croatia, bốn khu vực của Hy Lạp (Athens, Thessaloniki, Corfu và Crete), và Montenegro sẽ chấp nhận du khách đến từ Israel.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết toàn bộ châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 1.108.837 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 823.614 người đã khỏi bệnh và 25.337 ca tử vong.

Hiện Nam Phi là quốc gia có số ca nhiễm bệnh lớn nhất ở lục địa Đen, với 583.653 ca mắc COVID-19 và 11.677 ca tử vong. Xếp thứ hai là Ai Cập với 96.336 trường hợp mắc bệnh và 5.141 ca tử vong, trong khi vị trí thứ ba thuộc về Nigeria với 48.770 ca nhiễm bệnh và 974 ca tử vong.

Các vị trí tiếp theo lần lượt là Ghana, Morocco, Algeria, Kenya, Ethiopia… Ngoài ra, Nam châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Phi, tiếp theo là Bắc Phi và Tây Phi.

Theo CDC châu Phi, 9 nước châu Phi đang báo cáo có tỷ lệ tử vong tương đương hoặc cao hơn tỷ lệ tử vong trên toàn cầu (3,7%), trong đó bao gồm Sudan, Liberia, Niger và Ai Cập.

Theo THANH PHƯƠNG (Vietnam+)