Các quốc gia tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh minh họa: UN)
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 10/8, đã có 183.213.646 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 16.505.623 ca bệnh đang điều trị, có 16.406.581 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 99.042 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 82.625 ca nhiễm mới, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Iran (40.808 ca) và Ấn Độ (27.429 ca). Trong khi đó, Indonesia cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.475 ca, sau đó là Nga (769 ca) và Iran (588 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 64.392.299 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 10/8, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 937.119 ca đã tử vong do COVID-19 và 59.979868 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 31.997.017; 5.942.271 và 4.199.537 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp tử vong cao nhất là Ấn Độ (428.715 ca); Indonesia (108.571 ca) và Iran (94.603 ca).
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 90.238 ca nhiễm và 1.052 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 52.552.640 ca nhiễm mới và 1.143.290 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Nga, Pháp và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 6.469.910; 6.310.933 và 6.094.243 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Đồng thời, Nga cũng là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 165.650 ca, sau khi ghi nhận thêm 769 ca tử vong mới trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Anh (130.357 ca) và Italy (128.242 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 43.859.135 ca, trong đó có 100.824 ca tử vong và 35.848.974 ca được điều trị khỏi. Với 36.730.226 ca nhiễm và 633.723 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.971.817 và 1.439.839 ca nhiễm, cùng 244.420 và 26.670 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 27.608 ca nhiễm và 840 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 35.999.876 ca và 1.103.353 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 12.085 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 10.180 ca và Colombia với 4.023 ca. Tuy nhiên, với 502 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Argentina lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 143 ca tử vong mới và Brazil với 92 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 10/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 7.111.388 ca, trong đó có 178.546 ca tử vong và 6.204.779 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.540.222 ca nhiễm và 75.012 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 6.756 ca nhiễm mới và 199 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 701.325 612.867 ca nhiễm bệnh cùng 10.404 và 21.025 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 117.946 ca nhiễm (tăng 902 ca) và 1.640 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 18 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info hiện là Fiji với 603 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 37.582 ca, trong đó 317 ca tử vong (tăng 18 ca).
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành mạnh mẽ trên thế giới với số lượng ca mắc và tử vong không ngừng gia tăng, đặc biệt là sự lây lan mạnh của biến thể Delta, các quốc gia đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tại Mỹ, Lầu Năm Góc sẽ yêu cầu các quân nhân tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trước ngày 15/9. Thời hạn chót này có thể sẽ được đẩy sớm hơn nếu vaccine ngừa COVID-19 nhận được sự chấp thuận cuối cùng của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hoặc tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục gia tăng. Quyết định này được đưa ra hơn một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo giới chức Bộ Quốc phòng xây dựng một kế hoạch yêu cầu các quân nhân đi tiêm phòng, như một phần trong chiến dịch sâu rộng nhằm tăng cường tiêm chủng đối với lực lượng lao động liên bang. Đây cũng là quyết định tương tự của các chính phủ và các công ty trên khắp thế giới, trong bối cảnh các quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng lây nhiễm tăng cao do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Tại Mỹ, biến thể Delta khiến số ca dương tính, nhập viện và tử vong tăng cao chưa từng thấy kể từ thời kỳ đỉnh điểm vào mùa Đông năm 2020.
Cùng chung nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, tối 9/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ bốn từ ngày 10 – 16/8 tại hai hòn đảo đông dân là Java và Bali. Theo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan, các trung tâm thương mại tại ít nhất 4 thành phố gồm Jakarta, Bandung, Semarang và Surabaya sẽ được cấp phép mở cửa trở lại với 25% công suất tối đa. Tuy nhiên, các khách hàng sẽ phải trình giấy chứng nhận vaccine và khai báo điện tử. Trẻ em dưới 12 tuổi và người già trên 70 tuổi tạm thời sẽ bị cấm vào các địa điểm này. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ cho phép các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu hoạt động theo ca với 100% công suất.
Cùng ngày, Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartarto cũng thông báo rằng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ bốn sẽ được kéo dài thêm hai tuần từ ngày 10 – 23/8 tại nhiều khu vực bên ngoài Java và Bali “do yêu cầu xử lý khác biệt” với các khu vực trên hai hòn đảo này. Theo Bộ trưởng Airlangga, tổng cộng 45 huyện/thành phố bên ngoài Java và Bali sẽ áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ bốn, trong khi đó 302 huyện/thành phố áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ ba và 39 huyện/thành phố khác áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ hai.
Theo KHÁNH LINH (Đảng Cộng Sản)