Thế giới đã ghi nhận trên 251,7 triệu ca mắc COVID-19

11/11/2021 - 07:39

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 10-11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 251.764.622 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.083.684 ca tử vong. Trên 227,92 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, trong khi vẫn còn 18,75 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Kiểm tra chứng nhận tiêm phòng COVID-19 của người dân tại một khu chợ ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đông Nam Á, trong bối cảnh Campuchia từng bước nối lại các hoạt động kinh tế theo hướng mở cửa hoàn toàn, số ca mắc COVID-19 trong 41 ngày trở lại đây liên tục giảm và chỉ ở mức dưới 70 ca/ngày. Ngày 10/11, nước này ghi nhận 65 ca mắc mới, 5 ca tử vong. Hiện 14 triệu người (chiếm 87,5%) trên tổng số khoảng 16 triệu dân Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi. Nhiều khả năng Chính phủ Campuchia sẽ lên kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 3-4 tuổi để có thể mở cửa trở lại các trường mẫu giáo trên toàn quốc, sau khi trẻ 5 tuổi tại nước này bắt đầu được tiêm phòng từ ngày 1/11 vừa qua.

Lào ghi nhận 1.140 ca mắc mới và 2 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Lào, số ca mắc COVID-19 tại nước này tiếp tục gia tăng; trong đó có tới 1.134 ca cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất từ trước tới nay, đứng đầu cả nước với 671 trường hợp, tăng 159 ca so với ngày 9/11. Chính phủ Lào giao chính quyền thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh trên cả nước phối hợp với các thành phần có liên quan tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị; đồng thời khẩn trương triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng nguy cơ cao để phòng biến chứng nguy hiểm.

Thái Lan thông báo sẽ dành khoảng 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 để đón các lao động nước ngoài trở lại nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm lao động. Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch cho phép người lao động từ các nước láng giềng như Myanmar, Campuchia và Lào trở lại quốc gia này từ tháng 12 tới. Người lao động khi trở lại quốc gia Đông Nam Á này sẽ được yêu cầu cách ly 2 tuần và được tiêm vaccine trong thời gian này. Chính phủ Thái Lan cũng hy vọng việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát sẽ giúp ngăn chặn hoạt động đưa người lao động nhập cảnh trái phép nước này.  

Khoảng 97,6% dân số trưởng thành ở Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 95% - khoảng 22,2 triệu người - đã tiêm đủ liều. Trong nhóm trẻ vị thành niên (từ 12 đến 17 tuổi), khoảng 86,5% đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 76,7% đã hoàn thành chương trình tiêm chủng. Malaysia cũng đang triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho người đã tiêm đủ liều.

Thứ trưởng Y tế Malaysia Noor Azmi Ghazali đã đề xuất 3 cách để kiểm soát đại dịch COVID-19 trong giai đoạn bệnh đặc hữu - là giai đoạn sống chung với virus. Thứ trưởng Noor đã khuyến nghị 3 biện pháp gồm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với những biến thể đáng quan tâm mới xuất hiện; tiếp tục mở rộng độ bao phủ vaccine, bao gồm việc tiêm mũi tăng cường; cung cấp thêm thông tin để người dân nâng cao cảnh giác với dịch bệnh. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Số ca mắc mới tại Hàn Quốc lần đầu tiên tăng trở lại trên 2.400 ca sau khi nước này thực hiện chiến lược "Sống chung với COVID-19" kể từ ngày 1/11 vừa qua. Cụ thể, nước này ghi nhận 2.425 ca mới, trong đó 2.409 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 385.831 ca. Với thêm 14 ca COVID-19 không qua khỏi, số ca tử vong vì dịch bệnh này đã tăng lên thành 3.012 ca. Tỷ lệ tử vong là 0,78%.

Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo thời gian tới số ca mới hàng ngày có thể tiếp tục tăng cao khi thực hiện kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội nhằm đưa đất nước dần trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch. Hiện Hàn Quốc đã hoàn tất tiêm phòng một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 41,68 triệu người, tương đương 81,2% dân số. Số người được tiêm đầy đủ là 39,62 triệu người, tương đương 77,2% dân số. 

Tại Israel, trên 4 triệu người dân - tức 42% dân số - đã tiêm mũi vaccine thứ 3 phòng COVID-19. Cùng với số ca nhiễm mới giảm mạnh, việc phủ sóng vaccine đang tạo cơ sở vững chắc để chính phủ nước này tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội. Tính đến hết ngày 9/11, trên 5,7 triệu người trên tổng số 9,5 triệu dân ở nước này đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Hiện Israel đang xem xét triển khai tiêm vaccine cho trẻ em trong nhóm tuổi 5-11 sau khi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ khuyến nghị cho phép việc này. Trong ngày 9/11, Israel có thêm 458 ca mắc mới COVID-19. Số ca nặng tính đến sáng 10/11 là 156 ca. Các con số này đều đã giảm mạnh so với thời điểm đỉnh dịch cách đây 2 tháng. 

Tại châu Âu, làn sóng dịch COVID-19 ở Nga đang có dấu hiệu lây lan nhanh hơn trước, và giai đoạn biến chứng của bệnh cũng diễn ra nhanh hơn so với sự lây lan của biến thể ở Vũ Hán (Trung Quốc) giai đoạn đầu dịch. Hiện hệ thống y tế Nga đã thực hiện những điều chỉnh nhất định để phù hợp với tình hình mới trong khi các biện pháp hạn chế ở các khu vực sẽ tiếp tục được duy trì ở các mức độ chặt chẽ khác nhau.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức ghi nhận số ca mắc mới lên tới gần 40.000 ca, mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Tỷ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân trong 7 ngày đã lên mức 232,1 và đây là ngày thứ 3 liên tiếp tỷ lệ lây nhiễm vượt quá 200. Đức cũng ghi nhận thêm 236 ca tử vong, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 96.963. Số bệnh nhân COVID-19 được tiếp nhận ở các bệnh viện trên 100.000 dân trong 7 ngày hiện là 4,31, tăng từ mức 3,93. Đây là chỉ số quan trọng nhất để quyết định có siết chặt các biện pháp phòng dịch hay không. Chỉ số này từng ở mức cao kỷ lục 15,5 thời điểm Giáng sinh cuối năm 2020. Cho tới nay đã có 67,3% tổng dân số được tiêm đầy đủ và 3,7% được tiêm mũi tăng cường.

Pháp yêu cầu những người trên 65 tuổi xuất trình giấy chứng nhận về liều tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nếu muốn tới các nhà hàng, tham dự các sự kiện văn hóa và đi tàu liên tỉnh. Tuy tình hình tại Pháp có vẻ khả quan hơn so với tại Đức hay Anh, nhưng tỷ lệ lây nhiễm đã tăng 40% so với tuần trước đó. Để kiểm soát làn sóng thứ 5 của dịch bệnh, Chính phủ Pháp cũng đã thông báo hoãn việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa COVID-19 vốn đã được lên kế hoạch từ trước. Pháp đã tiêm hơn 100 triệu liều trong vòng 10 tháng, và 51 triệu người Pháp hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Pháp sẽ triển khai một chiến dịch tiêm bổ sung vào đầu tháng 12 tới, cho những người từ 50-64 tuổi, song song với chiến dịch tiêm tăng cường cho người trên 65 tuổi.

Hy Lạp đang trải qua đợt dịch COVID-19 thứ tư trong bối cảnh số ca mắc mới mỗi ngày tăng lên mức cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Các bệnh viện tại nước này đang lâm vào tình trạng quá tải khi số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng vọt. Hy Lạp ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua với 8.613 ca, tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng qua. Ngoài ra, đã có thêm 46 ca tử vong, thấp hơn so với mức 65 ca ghi nhận một ngày trước đó. Là nơi có tỷ lệ tiêm phòng thấp hơn những khu vực khác, miền Bắc Hy Lạp đang chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến xấu chưa từng có trong những ngày gần đây. Tại thành phố Thessaloniki, nhiều cơ sở y tế đang trong tình trạng quá tải.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Semily, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN

CH Séc ghi nhận 14.539 ca nhiễm mới, mức theo ngày cao nhất kể từ giữa tháng 3 và gần đến những mức cao nhất từ tháng 1. Số ca phải nhập viện đã tăng lên 3.295 ca, trong đó có 462 ca phải điều trị tích cực. Tính đến ngày 9/11, Séc đã có 6,14 triệu người được tiêm đủ vaccine trong tổng số 10,7 triệu dân. 

Hungary thông báo ghi nhận 8.434 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cũng là mức theo này cao nhất kể từ đầu tháng 4 ở nước này. Số ca nhiễm mới lại tăng gấp đôi so với tuần trước. Số ca nhập viện đã tăng lên 4.830 ca, trong đó có 463 ca phải điều trị tích cực. Số ca tử vong ở nước này hiện là 31.619 ca kể từ đầu dịch.

Slovakia đã ghi nhận 7.055 ca nhiễm mới, mức theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát hồi năm ngoái. Đất nước hiện có 2.478 ca phải nhập viện vì COVID-19, trong đó 438 ca nặng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) đã chính thức gửi đề nghị tới giới chức Mỹ về việc cấp phép sử dụng liều tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của hãng này cho những người trên 18 tuổi. Trước đó, Pfizer cũng đã yêu cầu Mỹ phê duyệt liều tiêm tăng cường đối với mọi người dân từ 16 tuổi trở lên. Hiện Pfizer cũng đang xin cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi ở Brazil và Nhật Bản.

Theo LÊ ÁNH (TTXVN)