Thế giới đã ghi nhận trên 298,5 triệu ca mắc COVID-19

07/01/2022 - 08:00

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 6-1, thế giới ghi nhận tổng cộng 298.549.136 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.484.587 ca tử vong. Trên 256,9 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 36,07 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Greater Noida, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh, với 58.805.186 ca mắc và 853.612 ca tử vong. Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố quyết định sử dụng vaccine của hãng Pfize/BioNTech làm mũi tiêm tăng cường cho trẻ từ 12 - 15 tuổi. Ngoài ra, Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng trực thuộc CDC đã kiến nghị cơ quan này cần bổ sung khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho thanh thiếu niên từ 16 - 17 tuổi. Khuyến nghị mới nhất của CDC nêu rõ trẻ từ 12 - 17 tuổi cần tiêm mũi tăng cường 5 tháng sau khi hoàn thành chương trình tiêm chủng cơ bản.

Trong vài ngày qua, số ca mắc hàng ngày tại Mỹ đã tăng lên mức cao chưa từng thấy do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Tỷ lệ mắc mới đặc biệt gia tăng khi nhiều người lao động trở lại làm việc và học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới. Điều này làm gia tăng lo ngại nguy cơ hệ thống y tế quá tải cũng như các cơ sở kinh doanh và trường học phải đóng cửa. 
Tại khu vực Mỹ Latinh, Chính phủ Panama đã quyết định công chức nhà nước phải tiêm phòng COVID-19. Những người chưa tiêm vaccine sẽ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào thứ Hai hằng tuần với cấp trên trực tiếp hoặc phụ trách nhân sự.

Trong khi đó, thủ đô Lima của Peru cùng 23 địa phương khác ở nước này đã nâng mức  phòng dịch từ trung bình lên nguy cơ cao sau khi chính thức xác nhận Peru đang đối mặt với làn sóng thứ 3 của dịch COVID-19. Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi đại dịch. Trong những ngày đầu tiên của năm 2022, số ca mắc COVID-19 tại Peru đã tăng thêm 25%, từ 11.000 lên 14.000 ca một tuần, đưa tổng số ca mắc lên trên 2,3 triệu với khoảng 230.000 trường hợp tử vong. Biến thể Omicron đang chiếm phần lớn các ca mắc COVID-19 tại nước này.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Almere, Hà Lan ngày 3/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19 với số ca mới ghi nhận hằng ngày chiếm hơn 50% tổng số ca mắc trên toàn cầu. Trong 24 giờ qua, một loạt nước Hà Lan, Bồ Đào Nha, Croatia... đều đã ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy trong suốt 2 năm dịch COVID-19 hoành hành. 

Cụ thể, Hà Lan ghi nhận 24.590 ca mắc COVID-19, vượt mức kỷ lục 23.713 ca ghi nhận ngày 24/11/2021. Theo Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan, biến thể Omicron hiện chiếm đa số các ca mắc mới.

Bồ Đào Nha có 39.570 ca mắc mới - mức tăng cao nhất theo ngày ghi nhận được kể từ đầu dịch đến nay. Theo Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa, nước này đã tăng cường năng lực xét nghiệm gấp 5 lần so với 1 năm trước và đây là một phần nguyên nhân nước này xác định được nhiều ca nhiễm như trên.

Croatia ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục theo ngày 8.575 ca, tăng 47% so với ngày trước đó. Ngoài Croatia, nhiều nước khu vực Tây Balkan cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt, trong đo có Bosnia, Montenegro...

Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục 66.467 ca. Trong 1 tuần, số ca nhiễm mới đã tăng hơn 2 lần và Omicron hiện đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nước này. 

Còn Bulgaria thông báo sẽ yêu cầu đa số những người đến từ Liên minh châu Âu (EU) phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính cùng chứng nhận COVID-19 còn hiệu lực trước khi nhập cảnh nước này. Theo đó, du khách đến từ EU nằm trong danh sách đỏ của Bulgaria, cần có kết quả xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh 72 giờ. Quy định này được áp dụng đối với cả du khách đến từ Anh. Bắt đầu từ ngày 7/1, Bulgaria sẽ thêm Mỹ, Canada và Australia vào danh sách đỏ, cấm những người nước ngoài từ các nước trên nhập cảnh. Trong số các nước EU, chỉ có Áo, Hungary và Luxembourg không nằm trong danh sách đỏ của Bulgaria.

Trong khi đó, Ukraine đang đề nghị tiêm mũi vaccine tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh và có thể làm gia tăng số ca mắc COVID-19 vào tháng tới.  Cụ thể, toàn bộ công dân nước này từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản, sẽ đủ điều kiện để tiêm mũi vaccine tăng cường bằng vaccine của các hãng Pfizer hoặc Moderna. Sau một số giai đoạn áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, số ca mắc COVID-19 trung bình tại Ukraine vào đầu tháng này đã giảm xuống còn khoảng 4.000 ca/ngày so với mức 10.000 ca/ngày vào đầu tháng 12/2021.

Tại Pháp, Hạ viện nước này đã thông qua kế hoạch áp dụng thẻ vaccine do Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron. Động thái này được cho là nhằm thúc đẩy những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Pháp đi tiêm chủng. Theo dự luật trên, người dân cần phải có thẻ vaccine nếu muốn sử dụng các dịch vụ cơ bản như tàu liên tỉnh, thành phố, tham gia các sự kiện văn hóa hoặc ăn uống. Chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh sẽ không còn hiệu lực nữa. Quy định này sẽ được áp dụng với những người từ 16 tuổi trở lên, thay vì trên 12 tuổi như chính phủ đề xuất ban đầu. Dự luật trên còn cần phải được Thượng viện Pháp thông qua vào đầu tuần tới. Nếu được thông qua, dự luật này có thể được thực thi vào ngày 15/1 tới.

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp. Lào ghi nhận 1.083 ca mắc mới COVID-19 đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố và 2 ca tử vong do COVID-19. Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới vượt 4.000 ca trong ngày thứ 2 liên tiếp, với 4.126 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 635.792 ca.

Trong khi đó, các thành phố lớn tại Ấn Độ như Delhi, Mumbai và Kolkata đang chứng kiến sự gia tăng của các ca mắc COVID-19, trong đó chủ yếu là nhiễm biến thể Omicron. Nhìn chung, Ấn Độ ngày 6/1 có thêm 90.928 ca mắc COVID-19, tăng gấp 4 lần so với hồi đầu năm nay. Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, chính quyền bang Gujarat (miền Tây Ấn Độ) đã quyết định hoãn vô thời hạn hội nghị thượng đỉnh đầu tư dự kiến diễn ra trong 3 ngày 10 - 12/1 với sự tham dự của Thủ tướng Narendra Modi và các tỷ phú hàng đầu đất nước. Các cuộc tuần hành vận động bầu cử tại bang Uttar Pradesh đông dân nhất của Ấn Độ, cũng đã buộc phải hủy bỏ. 

Còn Indonesia đã tạm thời cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài từ 14 quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới của biến thể Omicron. Cụ thể, Indonesia tạm thời cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài, những người trong vòng 14 ngày đã sống hoặc đến thăm các quốc gia đã xác nhận có trường hợp lây nhiễm Omicron ở cấp cộng đồng là Nam Phi, Botswana, Na Uy và Pháp. Bên cạnh đó, công dân nước ngoài từ các quốc gia hoặc khu vực gần gũi về mặt địa lý với các quốc gia có trường hợp lây nhiễm Omicron trong cộng đồng như Angola, Zambia, Zimbabwe, Malawi, Mozambique, Namibia, Eswatini và Lesotho cũng bị cấm nhập cảnh tạm thời. Ngoài ra, đối với công dân nước ngoài, những người trong vòng 14 ngày đã sống hoặc đến thăm Vương quốc Anh và Đan Mạch, những quốc gia có hơn 10.000 ca nhiễm Omicron, cũng bị cấm nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này.

Tại Thái Lan, sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm biến thể Omicron, nước này đã nâng cấp độ cảnh báo COVID-19 quốc gia từ mức 3 lên mức 4. Việc nâng cảnh báo lên cấp độ 4 bao gồm khuyến khích người dân làm việc tại nhà, tạm dừng việc đi lại, đóng cửa các khu vực có nguy cơ và hạn chế số lượng người tại các buổi tụ tập. Quyết định mới được đưa ra sau khi số lượng các ca nhiễm COVID-19 tăng thêm 5.775 ca trong 24 giờ qua so với mức 3.899 ca của ngày 5/1. 

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thiếu niên tại Shah Alam, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Chính phủ Malaysia đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi . Theo đó, các em trong lứa tuổi này sẽ được tiêm vaccine của hãng Pfizer với liều lượng là 10mcg, thấp hơn liều lượng dùng cho người từ 12 tuổi trở lên. 

Theo MINH CHÂU (TTXVN)