Thế giới đã ghi nhận trên 510,2 triệu ca mắc COVID-19

27/04/2022 - 08:05

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 26/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 510.269.382 ca mắc COVID-19 và 6.246.343 ca tử vong. Trên 463,5 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 40,5 triệu bệnh nhân chưa khỏi.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 1/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đông Nam Á, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết đã tổ chức cuộc họp thảo luận về điều kiện và biện pháp liên quan đến việc mở cửa hoàn toàn đất nước kể từ đầu tháng 5. Các thủ tục cho phép du khách nhập cảnh sẽ giống như trước khi có dịch COVID-19 và bổ sung thêm giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, có xác nhận xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh để không phải cách ly y tế. Đây là một trong những chính sách thu hút khách du lịch đến Lào, góp phần giải quyết khó khăn kinh tế quốc gia, tạo thêm việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân địa phương sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19.

Còn Campuchia đã quyết định bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng và các điểm thoáng khí trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, người dân có thể tự quyết định đeo hay không đeo khẩu trang khi ra ngoài. Theo quyết định mới, với các hoạt động ở các không gian trong nhà như phòng họp, rạp chiếu phim, đeo khẩu trang không phải bắt buộc nhưng người tham gia nên đeo.

Chính phủ Campuchia vẫn khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở những chỗ đông người và khi có dấu hiệu mắc COVID-19. Chính phủ Campuchia cũng kêu gọi người dân đi tiêm phòng COVID-19 mũi thứ 3 nhằm đảm bảo miễn dịch cộng đồng ở mức cao sau khi bỏ quy định đeo khẩu trang. Tuy nhiên, việc tiêm mũi thứ 3 sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở tự nguyện, các cơ quan hữu quan sẽ không áp dụng xử phạt hay bất kỳ biện pháp hành chính nào khác đối với những người không lựa chọn tiêm mũi tăng cường. Chính phủ Campuchia tiếp tục khuyến khích mọi người thực hiện xét nghiệm nhanh và nếu có kết quả dương tính nên tự cách ly và điều trị.

Trong khi đó, Chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh kéo dài 2 năm qua đối với những người không phải là cư dân thành phố này trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 nơi đây có chiều hướng giảm bớt.

Theo quy định mới, những người không phải cư dân Hong Kong, đã tiêm phòng đầy đủ và có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, sẽ được phép nhập cảnh Hong Kong từ ngày 1/5 tới. Quyết định mới này đã nới lỏng một trong các lệnh cấm đi lại nghiêm ngặt nhất thế giới, được áp đặt từ tháng 3/2020. Theo số liệu thống kê, gần 1,2 triệu người trong số 7,4 triệu dân Hong Kong đã mắc COVID-19 trong gần 4 tháng của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron. Gần 9.000 người đã tử vong.

Tại Hàn Quốc, chính quyền thủ đô Seoul cho biết sẽ nối lại các hoạt động lễ hội ngoài trời trên địa bàn thủ đô với sự tham gia trực tiếp của đông đảo người dân. Theo kế hoạch, Liên hoan nhạc Jazz Seoul 2022 diễn ra tại đảo Nodeul nằm giữa trung tâm Seoul vào tối 26/4 và kéo dài đến ngày 1/5. Ngoài ra, một liên hoan nghệ thuật với sự tham gia của 30 tác phẩm điêu khắc cũng được tổ chức tại đây từ ngày 26/4 đến 24/6. Thành phố cũng sẽ đăng cai các liên hoan nghệ thuật đường phố khác nhau tại Dongdaemun Design Plaza, Seoul Forest và nhiều địa điểm thu hút khách du lịch khác vào các dịp cuối tuần và ngày lễ cho đến 22/5. Sự kiện "thư viện mở" tại Seoul Plaza, đối diện Tòa thị chính Seoul, cũng sẽ tiếp tục trong các ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần đến hết tháng 10. 

Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết sẽ thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ ngày 27/4. Bộ đã bàn bạc vấn đề này một cách cẩn trọng và sẽ trình đề xuất lên Nội các ngày 27/4 và nếu được thông qua, Bộ  Y tế Malaysia sẽ công bố các biện pháp mới. Trước đó, từ ngày 1/4, Chính phủ Malaysia đã từng bước nới lỏng quy trình giám sát phòng dịch khi COVID-19 dần trở thành bệnh đặc hữu.

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc bắt đầu tiến hành xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng trong bối cảnh số ca mắc có chiều hướng lan rộng. Cụ thể, xét nghiệm này sẽ diễn ra từ ngày 26/4 đến ngày 30/4 tại 11 khu vực. 

Để phòng chống dịch bệnh, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã dừng toàn bộ hoạt động tập trung đông người như biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, triển lãm hàng tiêu dùng cũng như các chương trình khuyến mãi, các công trình xây dựng và cải tạo nhà ở... Giới chức khẳng định đảm bảo ổn định nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân thành phố.

Tại Nhật Bản, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này (MHLW) vừa thông qua kế hoạch giới hạn đối tượng được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 4, đồng thời phê chuẩn việc giảm khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ ít nhất 6 tháng hiện nay xuống còn 5 tháng. Theo kế hoạch này, việc tiêm mũi vaccine thứ 4 dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 5. Các đối tượng được tiêm mũi này gồm người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh nền. Nhật Bản sẽ  sử dụng vaccine của các hãng Pfizer và Moderna để tiêm mũi thứ 4. 

Trong khi đó, Cơ quan kiểm soát dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine ngừa COVID-19 là Covaxin và Corbevax lần lượt cho trẻ từ 6-12 tuổi và trẻ từ 5-12 tuổi. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này ghi nhận sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong các trường học.

Vaccine Covaxin của công ty công nghệ sinh học Bharat Biotech, là một trong hai loại vaccine chính đang được sử dụng ở Ấn Độ ngoài vaccine Covishield do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất. Trong khi đó, vaccine Corbevax do công ty Ấn Độ Biological E. phát triển. Chính phủ Ấn Độ ban đầu tiến hành tiêm chủng cho nhóm dân số trên 18 tuổi, sau đó đã dần mở rộng phạm vi tiêm chủng cho nhóm tuổi trên 12.

Theo MINH CHÂU (TTXVN)