Hiện tượng tẩy trắng tại rạn san hô Great Barrier, Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Đợt tẩy trắng hiện tại là đợt thứ tư được ghi nhận, sau các đợt trước đó vào năm 1998, 2010 và 2016. Chuyên gia Derek Manzello làm việc tại NOAA cho biết: “Trong bối cảnh các đại dương trên thế giới tiếp tục ấm lên, hiện tượng tẩy trắng san hô ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Khi tình trạng này đến mức nghiêm trọng hoặc kéo dài, chúng có thể khiến san hô chết đi, gây tổn hại đối với những người phụ thuộc vào các rạn san hô để kiếm sống”.
San hô là động vật biển tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ giống hải quỳ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. San hô có mối quan hệ cộng sinh với tảo sống trong mô của chúng và cung cấp nguồn thức ăn chính cho chúng. Tẩy trắng là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô đẩy tảo ra ngoài. Quá trình này khiến màu sắc rực rỡ của san hô biến mất, chỉ còn lại duy nhất màu trắng.
Kể từ đầu năm 2023, tình trạng tẩy trắng hàng loạt các rạn san hô đã diễn ra trên khắp các vùng nhiệt đới, bao gồm cả Florida, vùng Caribe, Brazil và phía Đông Thái Bình Dương.
Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), khoảng 850 triệu người trên toàn thế giới dựa vào các rạn san hô để mưu sinh, trong khi các rạn san hô cũng bảo vệ bờ biển khỏi bão và xói mòn. Ngoài ra, các hệ sinh thái này cũng cung cấp nơi trú ẩn cho hơn 1/4 loài sinh vật biển trên thế giới.
NOAA ước tính thế giới đã mất từ 30 đến 50% số rạn san hô và con số này có thể lên tới 100% vào cuối thế kỷ, nếu nhân loại không có sự can thiệp đáng kể. Theo NOAA, bản thân cơ quan này đã đạt được “những bước tiến đáng kể” trong các nỗ lực can thiệp chống tẩy trắng san hô, như "di chuyển các vườn ươm san hô đến vùng nước sâu hơn, mát hơn và triển khai các tấm che nắng để bảo vệ san hô ở các khu vực còn lại".
Theo TTXVN