COVID-19 đến 6h sáng 7-10:

Thế giới gần 36 triệu người nhiễm; châu Âu dồn sức chống làn sóng 2

07/10/2020 - 10:05

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 278.364 ca mắc COVID-19 và 4.848 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên gần 36 triệu người, trong đó có 1.053.334 bệnh nhân không qua khỏi.


Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Trung tâm quân y quốc gia Walter Reed để về Nhà Trắng, sau bốn ngày được điều trị COVID-19, ngày 5-10-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 7-10 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 35.999.762 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.053.334 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 27.109.423 người, 7.837.005 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 67.013 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (72.106 ca), Mỹ (36.185 ca) và Brazil (28.642 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 991 ca), tiếp theo là Brazil (721 ca) và Mỹ (667 ca).

Đến nay trên 27 triệu bệnh nhân đã phục hồi. 1/5 số ca nhiễm tập trung tại Mỹ (7.714.932 ca) và gần 1/6 số ca ở Ấn Độ (6.754.179 ca). Brazil là nước bị ảnh hưởng thứ ba thế giới với 4.969.141 ca nhiễm, trong khi ở vị trí thứ 4 là Nga với 1.237.504 ca.

Xét theo khu vực, châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng cộng 11.222.050 ca nhiễm và 203.768 ca tử vong. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 9.208.763 ca nhiễm và 319.643 ca tử vong. Nam Mỹ đứng thứ 3 với 8.336.775 ca nhiễm và 262.683 ca tử vong. Châu Âu đến nay ghi nhận tổng cộng 5.472.931 ca nhiễm và 226.210 ca tử vong. Châu Phi và châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng nhất, với hơn 1,5 triệu ca nhiễm ở châu Phi và hơn 31.000 ca ở châu Đại Dương.

WHO cho biết, 10% dân số thế giới có thể đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2, tức là 780 triệu người trên thế giới có thể đã mắc COVID-19. Tuy nhiên, con số chính thức được ghi nhận hiện nay là gần 36 triệu ca

Châu Âu tăng cường ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới

Chính phủ các quốc gia châu Âu đang thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn đối với người dân tại “lục địa già” này trước làn sóng thứ hai nguy hiểm.

Trong 2 ngày liên tiếp, Hà Lan ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày vượt mốc trên 4.000 ca. Trong khi đó, theo báo Les Echos, Vương quốc Anh đã ghi nhận tổng số hơn 500.000 ca mắc COVID-19 kể từ đầu đại dịch, sau khi xác nhận gần 16.000 ca mắc mới chưa được phát hiện ra trong tuần qua do vấn đề sai sót trong khâu nhập liệu.

Tại Pháp cũng như tại các nước láng giềng của nước này như Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Italy, tỷ lệ các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tổng số xét nghiệm đang gia tăng mạnh, số ca chuyển bệnh nặng phải nhập viện cũng tăng theo. Nhật báo Sud Ouest của Pháp ghi nhận trên 1.400 ca bệnh nguy kịch đang phải hồi sức cấp cứu tại Pháp, trong đó có trên 150 bệnh nhân phải nhập viện trong vòng 24 giờ qua. Ngoài ra, có tới 70 bệnh nhân tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua tại Pháp, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này kể từ đầu đại dịch lên 32.365 trường hợp.

Để ngăn chặn làn sóng lây lan dịch bệnh mới, các nước châu Âu đã siết chặt các biện phòng dịch. Kể từ đêm 6-10, người dân Ireland sẽ không được rời khỏi quận cư trú, các hoạt động hội hè dự kiến tổ chức trong nhà sẽ bị hoãn, các nghi lễ tôn giáo sẽ được tổ chức trực tuyến, đặc biệt các nhà hàng chỉ được phục vụ khách ở không gian bên ngoài.

Tại Tây Ban Nha, các thành phố Leon, Palencia và San Andrés del Rabanedo sẽ bị phong tỏa một phần trong vòng 2 tuần như đã từng xảy ra với thành phố Madrid và 9 quận ngoại vi của thành phố này kể từ ngày 2-10. Le Figaro cho biết, người dân tại những thành phố này không còn được quyền đi ra ngoài, trừ những lý do thiết yếu  như đi làm, học tập hoặc đi bác sỹ.

Nước Pháp cũng đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đối với “các vùng có cảnh báo đỏ” như tại Aix-Marseille-Provence, Guadeloupe, Paris. Tổng giám đốc Cơ quan Y tế vùng Ile-de-France, ông Aurélien Rousseau đã giải thích trên truyền France info rằng, vùng Ile-de-France đang phải chịu sức ép rất lớn khi trong 15 ngày tới, số bệnh nhận nặng phải đưa vào phòng hồi sức cấp sẽ chiếm tới một nửa số giường bệnh. Các quán bar, phòng tập thể thao và bể bơi sẽ phải đóng cửa trong 2 tuần, trong khi đó các nhà hàng sẽ phải tuân thủ các quy định về y tế nghiêm ngặt để có thể được mở cửa.

Nước Đức được cho là ít bị ảnh hưởng về sự bùng phát dịch bệnh hơn so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, nước này cũng thiết lập các biện pháp phòng bệnh mới nghiêm ngặt hơn như bắt buộc đeo khẩu trang tại văn phòng, hạn chế số người tham dự các hoạt động hội hè, cấm bán rượu sau 23h00 và hạn chế các cuộc tụ họp cá nhân ở mức tối đa 6 người.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết mối đe dọa COVID-19 tại Nga vẫn chưa hết, song nước này sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến. Ngày 6-10, số ca nhiễm mới trong ngày đã vượt quá 11.000 ca, mức cao nhất kể từ ngày 11-5. Cụ thể, trong số 11.615 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua có 4.082 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.237.504 ca. Cơ quan chức năng cũng cho biết 188 ca tử vong trong 24 giờ qua đã nâng tổng số ca tử vong tại Nga lên 21.663 ca./.

Trong khi đó, tại Ireland, Thủ tướng Micheal Martin thông báo chính phủ sẽ nâng mức độ ứng phó với COVID-19 từ mức 2 lên mức 3 trên toàn quốc trong 3 tuần, từ 0h ngày 6-10. Quyết định được đưa ra nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu đi tại đây. Theo đó, người dân sẽ phải hạn chế đi lại và không được phép đi ra nước ngoài, trừ trường hợp đi công tác, du học hoặc phục vụ những mục đích quan trọng khác. Mọi người cũng được khuyến cáo làm việc tại nhà, trừ trường hợp thật cần thiết. Các phương tiện giao thông công cộng chỉ hoạt động để phục vụ những người làm việc trong những lĩnh vực thiết yếu. 

Tại Ba Lan, theo số liệu cập nhật trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 58 ca tử vong mới, mức cao nhất từ khi bùng phát dịch. Trong khi đó, số ca phải dùng máy trợ thở và số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 cũng tăng mạnh. Trong ngày 6-10, nước này có thêm 2.236 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 104.316 ca. Thứ trưởng Y tế Ba Lan Waldemar Kraska nhận định: "Tình hình rất đáng lo ngại".

Châu Á: Tình hình Ấn Độ vẫn căng thẳng

Tại châu Á, Ấn Độ vượt xa tất cả các nước còn lại về số ca nhiễm và số tử vong hiện lên tới 103.787 trường hợp. Iran đứng thứ hai châu lục với 479.825 ca nhiễm và 27.419 ca tử vong.

Ngoài ra, các nước như Iraq, Bangladesh, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan đều ghi nhận trên 310.000 ca nhiễm. Bộ Y tế Iran ngày 6-10 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 4.151 ca nhiễm trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước tới nay.

Philippines: Số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm 

Bộ Y tế Philippines thông báo đã ghi nhận 2.093 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 6-10, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 326.833 ca. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Philippines, ông Rabindra Abeyasinghe, nhấn mạnh quốc gia Đông Nam Á này đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 có chiều hướng giảm dần.    

Ngoài các ca mắc mới, đã có thêm 209 bệnh nhân phục hồi, nâng tổng số bệnh nhân bình phục lên 273.313 người. Trong khi đó, với thêm 25 ca tử vong do COVID-19, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này tại Philippines hiện tăng lên đến 5.865 ca. 

Bộ Y tế Philippines cho biết thêm tính đến nay hơn 3,71 triệu người trong khoảng 109 triệu dân tại Philippines đã được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.   

Singapore sớm mở cửa biên giới

Giới chức Singapore ngày 6-10 thông báo đang chuẩn bị triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn để có thể sớm mở cửa đường biên, trong đó có việc thiết lập một phòng xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Changi và tiếp tục đàm phán thiết lập hành lang đi lại an toàn với các nước và các khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu tại Quốc hội ngày 6-10, tân Bộ trưởng Giao thông Ong Ye Kung cho biết phòng xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Changi sẽ được thiết lập trong vài tháng tới nhằm bổ sung cho cơ sở xét nghiệm hiện tại ở sân bay này vốn đã có công suất xét nghiệm nhanh (lấy dịch mũi họng) lên tới 10.000 hành khách/ngày. Ngoài ra, Singapore cũng đang tính toán lại về quy định cách ly tại nhà 14 ngày với hành khách nhập cảnh.

Trong khi đó, tại Malaysia hơn 100 trường học ở một số huyện đã phải đóng cửa sau khi số ca nhiễm tại các địa phương này từ đầu tháng 10 tăng vọt lên mức 3 con số. Trên phạm vi toàn quốc, số ca nhiễm ở Malaysia gần đây cũng liên tục tăng lên các mức cao nhất. Ngày 6-10, nước này đã ghi nhận ca tử vong trẻ nhất vì COVID-19, đó là một bé gái mới 1 tuổi.

Hong Kong/Trung Quốc lo bùng phát đợt dịch thứ 4

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền Hong Kong lo ngại nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 4 và để ngỏ khả năng tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại Philippines đang có chiều hướng giảm, trong khi giới chức Singapore đang chuẩn bị triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn để có thể sớm mở cửa đường biên, bao gồm việc thiết lập một phòng xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Changi và tiếp tục đàm phán thiết lập hành lang đi lại an toàn với các nước và các khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh.

Bắc Mỹ: Mexico gần 82.000 ca tử vong

Tại Bắc Mỹ, Mexico là nước bị ảnh hưởng lớn thứ hai sau Mỹ, với 789.780 ca nhiễm và 81.877 ca tử vong. Tiếp đó, Canada, Panama và CH Dominica đều ghi nhận trên 110.000 ca nhiễm. Riêng Canada ghi nhận hơn 9.500 ca tử vong, trong khi hai nước còn lại ghi nhận hơn 2.100 ca. Tuy nhiên, đứng thứ 3 khu vực về số ca tử vong lại là Guatemala với 3.302 ca. 

Ngày 5-10, Thống đốc bang New York của Mỹ Andrew Cuomo thông báo sẽ tạm thời đóng cửa các trường học tại 9 khu vực đang có số ca mắc mới tăng cao, đồng thời nhấn mạnh khó khăn trong việc duy trì học sinh đến lớp học trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Quyết định đóng cửa trên có hiệu lực từ ngày 6-10 và được thực thi sớm hơn một ngày so với đề xuất trước đó của Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio. Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo không chấp thuận việc tạm dừng các hoạt động kinh doanh không cần thiết tại 9 khu vực trên vào thời điểm này như đề nghị của ông de Blasio. Tại Mexico, Bộ Y tế nước này ngày 5-10 thông báo ghi nhận thêm 28.115 ca nhiễm và 2.789 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 789.780 ca, trong đó có 81.877 ca tử vong. Số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng mạnh tại Mexico kể từ thời điểm nước này dỡ bỏ giãn cách xã hội và bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 1-6 vừa qua. Mexico hiện là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất, với số ca bệnh cao thứ 7 và số ca tử vong cao thứ 4 thế giới.

Nam Mỹ: Nhiều nước ghi nhận trên 800.000 ca bệnh

Ở khu vực Nam Mỹ, sau Brazil, các nước Colombia, Peru và Argentina đều ghi nhận hơn 800.000 ca nhiễm, trong đó Peru có số ca tử vong cao thứ hai khu vực với 32.834 ca.

Tại Brazil, Chính phủ nước này ngày 5-10 thông báo đã gia hạn lệnh cấm khách nước ngoài nhập cảnh qua đường bộ, đường biển hoặc sông, nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19. Riêng việc nhập cảnh bằng đường hàng không đã được phép kể từ ngày 25-9.
Theo công báo của Chính phủ, biện pháp trên cấm du khách nhập cảnh vào Brazil qua các cửa khẩu với các nước gồm Argentina, Bolivia, Colombia, Guyana thuộc Pháp, Guyana, Paraguay, Peru, Suriname, Uruguay và Venezuela. Tuy nhiên, lệnh cấm này miễn trừ đối với người nước ngoài tại một quốc gia láng giềng muốn vào Brazil bằng đường bộ để đáp chuyến bay về nước. Những người này sẽ phải nộp yêu cầu chính thức từ Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của nước mình, cũng như vé máy bay. Lệnh cấm cũng không áp dụng đối với công dân Brazil hay người nước ngoài thường trú tại Brazil muốn trở lại nước này.

Brazil đóng cửa biên giới vào ngày 19-3 nhằm ngăn chặn các ca mắc mới COVID-19 vào nước này. Lệnh cấm này không ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển hàng hóa hay viện trợ nhân đạo.

Australia: Sinh viên quốc tế sẽ sớm được trở lại

 Sinh viên quốc tế bắt đầu được trở lại Australia trong tháng 10 này sau khi trường Đại học Charles Darwin University (CDU) được phê duyệt triển khai một chương trình thí điểm tiếp nhận du học sinh tới nước này bằng đường hàng không. 

CDU ngày 5-10 cho biết trường đại học đặt tại Vùng lãnh thổ miền Bắc (NT) này đã được Chính phủ Australia phê duyệt tiếp nhận 70 sinh viên bay từ Singapore vào cuối tháng 10. Đây sẽ là nhóm sinh viên quốc tế đầu tiên trở lại Australia kể từ tháng 3-2020 - thời điểm Australia đóng cửa hoàn toàn đối với người nước ngoài để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nhóm sinh viên này sẽ tham gia cách ly 14 ngày trước khi bắt đầu tham gia các lớp học tại CDU vào ngày 9/11. Hiệu phó CDU Andrew Everett đánh giá đây là sự kiện đột phá đối với Australia cũng như CDU khi trường đại học này trở thành hành lang an toàn đầu tiên thử nghiệm chương trình thí điểm này. Ông cam kết CDU thực hiện nghiêm ngặt các quy định y tế theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng. 

Nguồn thu từ sinh viên quốc tế mỗi năm đóng góp gới 99 triệu AUD (71,1 triệu USD) cho kinh tế Vùng lãnh thổ miền Bắc của Australia và hỗ trợ gần 500 việc làm. Chương trình thí điểm này được kỳ vọng thành công góp phần khôi phục kinh tế vùng này. 

Sau khi đại dịch bùng phát vào tháng 2, số lượng sinh viên quốc tế tại Australia liên tục sụt giảm, khoảng 61.400 người, chiếm 41% tổng số sinh viên quốc tế so với cùng kỳ năm trước. 

Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)